Bệnh học

Những biến chứng nguy hiểm khi mắc Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ là một trong những bệnh tự miễn nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống các cơ quan trong cơ thể bằng cách tấn công vào các tế bào và mô của cơ thể gây viêm, hủy hoại mô, gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng. Lupus là một bệnh viêm da mãn tính. Viêm da có thể là biến chứng nghiêm trọng do các vấn đề ở hệ thống miễn dịch gây ra. Cũng giống như các tình trạng viêm khác, viêm da không chỉ ảnh hưởng đến các mô và cơ quan trong cơ thể mà nó còn có thể tác động xấu tới tâm trạng người bệnh. Người bị Lupus sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc tập trung và ngủ nếu bệnh không được điều trị và kiểm soát đúng thời điểm. Để ngăn chặn sự thiệt hại nghiêm trọng về tinh thần và các cơ quan trong cơ thể, bạn cần nằm được những vấn đề sức khỏe có liên quan hoặc do bệnh Lupus gây ra. 1. Tổn thương ở thận Lupus có liên quan đến những tổn thương ở thận. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh có thể gây tử vong do bị suy thận. Các dấu hiệu và triệu chứng của vấn đề về thận do Lupus gây ra có thể bao gồm ngứa toàn thân, đau ngực, buồn nôn, ói mửa và sưng chân. 2. Các bệnh tim mạch Lupus ảnh hưởng đến tim và các động mạch. Các triệu chứng phổ biến của các vấn đề tim mạch là cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Những bệnh nhân bị lupus gần như có khả năng phát triển bệnh tim hoặc các vấn đề liên quan đến tim mạch cao gấp 8-10 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là do, bệnh lupus có thể dẫn đến tình trạng viêm ở tim và động mạch. 3. Vấn đề ở xương Bệnh nhân bị lupus có nhiều nguy cơ bị gãy, vỡ xương do nguồn máu được cung cấp đến xương không đủ. Khớp hông và khớp gối thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lupus là một bệnh viêm da mãn tính . 4. Vấn đề ở phổi Vấn đề về phổi như ho hoặc khó thở có thể phát sinh do viêm niêm mạc màng phổi hay do sự tích tụ của chất lỏng. Tình trạng viêm này cũng rất có thể do bệnh lupus hoặc nhiễm trùng khác gây ra. Các triệu chứng phổ biến của các vấn đề về phổi là sốt, đau ngực và ho dữ dội. Hơn nữa, trong trường hợp tồi tệ, phổi không làm tốt chức năng cung cấp oxy vào máu gây nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể. Khi các mạch máu của phổi bị ảnh hưởng cũng có thể dẫn tới bệnh cao huyết áp. 5. Tổn thương não Những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus thậm chí có thể phải đối mặt với tình trạng viêm trong não. Điều này có thể dẫn đến đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, ảo giác, và thậm chí cả đột quỵ hoặc co giật. Thông thường, những bệnh nhân lupus còn gặp vấn đề về trí nhớ và khó kiểm soát được suy nghĩ của mình. 6. Phức tạp trong thai kỳ Lupus không gây ra bất kỳ vấn đề nào trong việc thụ thai, nhưng nó lại có ảnh hưởng đến thai kì. bệnh lupus có ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển, có thể khiến sản phụ sinh non do huyết áp cao hoặc tăng nguy cơ sẩy thai. Do đó, để tránh các biến chứng trong thai kì do bệnh lupus gây ra, người phụ nữ nên trì hoãn mang thai cho đến khi khỏi bệnh hoặc mức độ bệnh có thể kiểm soát được. 7. Thiếu máu Lupus có thể làm rối loạn việc lưu chuyển máu nên gây ra các vấn đề về máu, bao gồm thiếu máu và tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Nó cũng có thể gây ra viêm các mạch máu. Bệnh lupus có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào trên cơ thể. 8. Khô miệng Đây là một tình trạng rất hiếm, nhưng thực tế, bệnh lupus gây thiệt hại đến tuyến nước bọt và nước mắt là có thể xảy ra. Kết quả là, mức độ sản xuất nước bọt sẽ giảm, dẫn đến khô và ngứa miệng. 9. Ung thư Những bệnh nhân lupus có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư phổi, và ung thư gan. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng người mắc bệnh lupus cũng cần chú ý để tránh tình trạng viêm trong các cơ quan này tăng lên, tình trạng viêm càng nặng thì càng dễ dẫn tới ung thư. 10. Nhiễm trùng Bệnh lupus gây tổn thương hệ thống miễn dịch của con người. Do hệ thống miễn dịch suy yếu là người dễ bị các loại nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm nấm men, herpes và bệnh zona. Theo: Afamily

Lupus ban đỏ ở thai phụ

Lupus ban đỏ hay gặp ở nữ giới trong độ tuổi từ 20-40. Nếu chị em mắc phải bệnh Lupus trong giai đoạn thai kỳ thì có thể tăng gấp đôi nguy cơ tiền sản giật (Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Arthritis Care & Research (Mỹ)) Theo các chuyên gia, tiên sản giật là chứng bệnh nguy hiểm đặc trưng bởi tình trạng cao huyết áp và mức protein trong nước tiểu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, co giật, suy cơ quan và có thể gây tử vong ở người mẹ và/hoặc em bé. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy rằng, các thai phụ sử dụng thuốc antirheumatic giảm nhẹ bệnh lupus (DMARDs) được biết có liên quan với sự gia tăng nguy cơ tiền sản giật. Các loại thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh lupus và các bệnh tự miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên rất hiếm trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng cho chị em trong thời kỳ mang thai. Ảnh minh họa:Internet Trong cuộc nghiên cứu, Kristin Palmsten – người chủ trì cuộc nghiên cứu và các cộng sự ở Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) đã xem xét dữ liệu gần 307.000 trường hợp mang thai ở tỉnh British Columbia (Canada) và phát hiện rằng, nguy cơ bị chứng tiền sản giật cao hơn liên quan với việc sử dụng thuốc DMARDs có thể được giải thích bởi mức độ nghiêm trọng của bệnh tự miễn dịch trong số người sử dụng. Nhóm thuốc DMARDs bao gồm methotrexate (tên thương hiệu là Rheumatrex và Trexall), hydroxychloroquine (Plaquenil, Quineprox), etanercept (Enbrel) và adalimumab (Humira). Nhà nghiên cứu Palmsten cho biết, hiểu được cách thức sử dụng của của các loại thuốc này tác động như thế nào đến phụ nữ bị bệnh tự miễn dịch là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Phát hiện của chúng tôi củng cố thêm các bằng chứng trước đó cho rằng, các thai phụ bị bệnh lupus tăng gấp đôi nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu nữa để xác nhận những phát hiện này, và nghiên cứu nên tập trung vào việc sử dụng DMARDs và chứng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai với các bệnh tự miễn dịch cụ thể khác”. Mặc dù phát hiện mối liên quan giữa bệnh lupus với chứng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai, nhưng nghiên cứu đã không chứng minh được mối quan hệ trực tiếp giữa hai việc này. Theo: Afamily

Nguyên nhân gây Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn. Kháng nguyên được hình thành tại chỗ do nhiều nguyên nhân làm cho cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của cơ thể gây hại cho nhiều cơ quan, tổ chức . Lupus ban đỏ hệ thống thường gặp ở độ tuổi 10-40 và gặp nhiều nhất ở độ tuổi 20-40 và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đây là bệnh mạn tính, đan xen giữa đợt bùng phát và đợt lui bệnh. Thuốc không chữa khỏi, chỉ làm giảm triệu chứng, ổn định bệnh. Từ khi có các thuốc ức chế miễn dịch tiên lượng bệnh đáp ứng với thuốc có khả quan hơn, nâng cao chất lượng, kéo dài thêm cuộc sống 10 – 20 năm so với trước. Do bệnh gây tác hại trên nhiều cơ quan tổ chức, nên phải dùng nhiều loại thuốc. Hơn nữa, trạng thái và mức độ bệnh khác nhau nên khó có phác đồ điều trị thống nhất. Có thể dùng một, hai, ba, thậm chí bốn thuốc với liều lượng thay đổi cho phù hợp. Nguyên nhân gây Lupus ban đỏ hệ thống Nguyên nhân đặc hiệu tuy chưa xác định rõ ràng nhưng người ta xác định được một số yếu tố sau có liên quan đến bệnh: Yếu tố gen: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có mối liên quan về mặt di truyền học. Bệnh di truyền theo gia đình, nhưng không có một gen riêng lẻ nào được xác định là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều gen có thể có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh khi có những yếu tố môi trường kích hoạt. Những gen quan trọng nhất nằm ở vùng gen kháng nguyên bạch cầu người (HLA) trên nhiễm sắc thể số 6 , những đột biến có thể là ngẫu phát ( de novo ) hoặc di truyền. Kháng nguyên bạch cầu người nhóm I, nhóm II, và nhóm III có liên quan đến bệnh, nhưng chỉ có nhóm I và nhóm II có góp phần độc lập tới việc tăng nguy cơ bệnh. Những gen khác có thể chứa đựng nguy cơ cho bệnh là IRF5 , PTPN22 , STAT4, CDKN1A , ITGAM , BLK, TNFSF4 và BANK1, một số gen có thể đặc hiệu cho từng nhóm dân cư. Yếu tố kích hoạt từ môi trường Cơ chế bệnh thứ hai có thể do các yếu tố từ môi trường. Những yếu tố này không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn có thể kích hoạt quá trình hình thành bệnh. Chúng bao gồm: các loại thuốc (như một số thuốc chống trầm cảm và kháng sinh ), trầm cảm nặng, phơi nắng, hoóc môn, và viêm nhiễm. Tia UV kích hoạt việc hình thành các vùng phát ban lupus và một số bằng chứng cho thấy tia UV cũng có thể thay đổi cấu trúc ADN, dẫn đến việc hình thành các kháng thể tự miễn. Hoóc môn sinh dục (như estrogen ) có vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh, và thực tế cho thấy trong thời kỳ sinh sản ở người, tần số bệnh này ở phụ nữ cao gấp 10 lần ở đàn ông. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm kiếm mối liên hệ với nhiễm khuẩn ( virus và vi khuẩn ), nhưng chưa có nguồn bệnh nào có liên hệ chặt chẽ với lupus ban đỏ hệ thống. Một số nhà khoa học thấy rằng những phụ nữ bơm ngực bằng silicone tạo ra kháng thể chống lại collagen của chính họ, nhưng không rõ kháng thể này ở những người bình thường có xuất hiện nhiều hay không, và cũng không có dữ liệu nào cho thấy những kháng thể này gây ra các bệnh về mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống. Có một số bằng chứng nhỏ, nhưng đang càng ngày càng nhiều hơn, về mối liên hệ giữa bệnh này và việc sử dụng son môi, nhưng các nhà sản xuất son không tỏ ra quan tâm lắm đến điều này. Tương tác thuốc Lupus do thuốc gây ra là tình trạng phản ứng thuốc ở những người đang điều trị các bệnh lâu dài. Lupus do thuốc gây ra cũng giống như Lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, các triệu chứng của lupus do thuốc gây ra thường biến mất khi dừng sử dụng loại thuốc gây ra lupus. Có khoảng 400 loại thuốc có thể gây ra tình trạng này, những loại phổ biến nhất là procainamide , hydralazine , quinidine , và phenytoin . Các dạng lupus không phải là lupus ban đỏ hệ thống Lupus ban đỏ dạng đĩa chỉ có các triệu chứng về da và có thể được chẩn đoán bằng cách làm sinh thiết các phát ban trên da mặt, cổ và da đầu. Sinh lý bệnh học Một biểu hiện của lupus ban đỏ hệ thống là rối loạn quá trình tự hủy tế bào (apoptosis), một quá trình chết tế bào được lập trình sẵn trong quá trình sinh trưởng và hoạt động bình thường, trong đó các tế bào đã già hoặc bị tổn thương sẽ được thải loại gọn gàng. Sự lan tỏa bệnh Hệ miễn dịch của bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống sản sinh ra kháng thể chống lại bản thân cơ thể mình, đặc biệt là chống lại các protein trong nhân tế bào. Bệnh được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường chưa rõ ràng. “Tất cả các thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch đều tham gia vào cơ chế bệnh ”, theo tác giả Rahman, và bệnh này là bệnh tự miễn nguyên mẫu. Hệ miễn dịch luôn phải có 1 sự cân bằng ( cân bằng nội môi ) giữa sự nhạy cảm vừa đủ để chống lại sự viêm nhiễm, với sự quá nhạy cảm dẫn đến việc tấn công protein của chính cơ thể mình (tự miễn). Theo quan điểm tiến hóa, của tác giả Crow, cộng đồng người cần phải có sự đa dạng về di truyền để chống lại vô số các nguy cơ lây nhiễm; trong đó một số tổ hợp di truyền dẫn đến hiện tượng tự miễn. Những tác nhân trong môi trường thường kích thích bệnh bao gồm tia cực tím, một số loại thuốc, và một số loại virus. Những kích thích này gây ra quá trình tự hủy tế bào và phơi bày ADN, các protein histone , và các loại protein khác, đặc biệt là các thành phần của nhân tế bào. Vì sự đa dạng di truyền trong các thành phần khác nhau của hệ miễn dịch, ở một số người, hệ miễn dịch tấn công các protein trong nhân tế bào và sản sinh ra kháng thể chống lại chúng. Cuối cùng, những phức hợp kháng thể này phá hủy các mạch máu trong một số vùng trọng yếu trong cơ thể, ví dụ như búi mao mạch tiểu cầu của thận; sự tấn công của kháng thể tạo ra bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Các nhà nghiên cứu đang xác định các gen, cùng với các protein tạo ra từ các gen đó, và chức năng của chúng trong hệ miễn dịch. Mỗi protein là một mắt xích trong chuỗi phản ứng tự miễn, và các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm ra các loại thuốc có thể phá vỡ những mắt xích đó. Bệnh này là một bệnh viêm mãn tính, và được cho là thuộc loại phản ứng quá mẫn loại III (do phức hợp miễn dịch) và có thể liên quan đến cả loại II (phụ thuộc vào kháng thể). Rối loạn trong quá trình tự hủy tế bào Quá trình tự hủy tế bào xảy ra nhiều hơn ở các tế bào bạch cầu đơn nhân và keratinocyte Sự biểu hiện của các gen Fas ở bạch cầu lympho B và lympho T cũng tăng lên. Có mối tương quan giữa tỉ lệ hủy tế bào lympho và quá trình tiến triển bệnh. Đại thực bào Tingible body (Tingible body macrophage-TBM) – loại thực bào lớn có ở trung tâm mầm của các hạch bạch huyết thứ cấp – biểu hiện protein CD68 (dấu ấn kháng nguyên đặc trưng trên bề mặt tế bào monocyte/đại thực bào). Những tế bào này thường tiêu hóa các tế bào lympho B bị tự hủy sau khi trải qua siêu đột biến thân (somatic hypermutation). Ở một số bệnh nhân, số lượng TBM giảm đáng kể, và các tế bào này cũng hiếm khi chứa các thành phần của tế bào lympho B bị tự hủy. Đồng thời, phía bên ngoài các tế bào TBM cũng thấy có các nhân bị tự hủy không được tiêu hóa. Những thành phần đó có thể đe dọa sự dung hòa các tế bào lympho B và T. Các tế bào tua trong trung tâm mầm có thể thực bào các thành phần kháng nguyên đó và trình diện nó cho tế bào lympho T và hoạt hóa chúng. Đồng thời, các nhân và chất nhiễm sắc (chromatin) bị tự hủy cũng có thể bám vào bề mặt của các tế bào tua trong nang (follicular dendritic cell) vì thế chúng có thể hoạt hóa một số tế bào lympho B nhạy cảm với protein của chính mình do quá trình siêu đột biến thân ngẫu nhiên tạo ra. Giảm khả năng thải loại tế bào chết Cơ chế chính xác của sự hình thành bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa rõ ràng, vì có sự đóng góp của rất nhiều yếu tố. Ngoài những nguyên nhân nói trên, khả năng thải loại các tế bào chết bị giảm sút cũng có thể là một nguyên nhân. Sự giảm sút này bao gồm: giảm hoạt động thực bào, thiếu các thành phần huyết thanh và tăng quá trình tự hủy tế bào . Các tế bào bạch cầu đơn nhân (monocyte) tách triết từ máu toàn phần của bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có ít dấu ấn CD44 trên bề mặt (các dấu ấn này liên quan đến việc tiêu hóa các tế bào tự hủy). Đa số các tế bào monocyte và đại thực bào tingible body (TBM) (có trong trung tâm mầm của các hạch bạch huyết ) thậm chí còn biểu hiện các dạng hình thái khác thường: chúng nhỏ hơn hoặc hiếm hơn và chết sớm hơn. Các thành phần huyết thanh (như bổ thể , protein phản ứng C – C-reactive protein (CRP), và một số glycoprotein có vai trò trong hoạt động thực bào) cũng thường biến mất, giảm số lượng hoặc hoạt động không hiệu quả. Việc thải loại các tế bào tự hủy là một chức năng quan trọng đối với những cơ thể đa bào. Nó dẫn đến quá trình tự hủy và cuối cùng là hoại tử thứ cấp tế bào nếu khả năng này bị giảm sút. Những tế bào hoại tử giải phóng các mảnh nhân tế bào. Những mảnh nhân đó có thể là những kháng nguyên tự miễn và là dấu hiệu nguy hiểm trong nội môi, dẫn đến sự trưởng thành của các tế bào tua (DC), vì tế bào đã mất sự toàn vẹn của màng. Sự xuất hiện nhiều tế bào tự hủy cũng gây ra việc thải loại không hiệu quả. Nó làm của tế bào tua trưởng thành và trình diện các kháng nguyên nội bào, thông qua các phân tử MHC . Sự tự miễn có thể là kết quả của việc trình diện rộng rãi các kháng nguyên tự miễn trong nhân và thành phần nội bào sinh ra từ các tế bào tự hủy chậm hoặc hoại tử thứ phát. Sự dung hòa của tế bào lympho B and T đối với các tế bào tự hủy cũng không còn, tế bào lympho bị hoạt hóa bởi các kháng nguyên tự miễn này; quá trình viêm và việc sản xuất kháng thể tự miễn bới các tế bào plasma được khởi động. Việc giảm khả năng thải loại tế bào tự hủy trên da cũng diễn ra ở những bệnh nhân bị lupus ban đỏ dạng đĩa. Sự tích tụ tại trung tâm mầm Ở người bình thường, những tế bào lympho bị tự hủy sẽ được các tế bào thực bào chuyên trách và các đại thực bào tingible body (TBM) tiêu hóa ở trung tâm mầm, vì thế không có sự tự hủy tự do và không tồn tại chất nào có thể trở thành kháng nguyên tự miễn. Ở một số người bị lupus ban đỏ hệ thống, có thể quan sát thấy sự tích tụ các mảnh rác tế bào tự hủy ở trung tâm mầm vì việc thải loại các tế bào tự hủy bị giảm sút. Gần giống với các TBM, các tế bào tua trong nang (FDC) có mặt tại trung tâm mầm gắn các mảnh kháng nguyên lên bề mặt của chúng và (ngược lại với các tế bào tua trưởng thành từ tủy xương ) không tiêu hóa mà cũng không trình diện các kháng nguyên đó bằng các phân tử MHC của chúng. Các tế bào lympho B tự miễn có thể vô tình sinh ra trong quá trình siêu đột biến thân và di chuyển tới vùng sáng của trung tâm mầm. Các tế bào đó nếu ngẫu nhiên trưởng thành thì thường cũng không nhận được tín hiệu sống từ các kháng nguyên trên tế bào tua trong nang, và vì thế bị loại bỏ bởi quá trình tự hủy. Trong trường hợp giảm sút khả năng thải loại, các mảnh nhân tế bào tự hủy tích tụ tại vùng sáng của trung tâm mầm và gắn với các tế bào tua trong nang. Chúng trở thành dấu hiệu sống cho các tế bào lympho B tự miễn trong trung tâm mầm. Sau khi di chuyển đến vùng vỏ trung tâm mầm, các tế bào B tự miễn đòi hỏi phải có thêm các tín hiệu sống từ các tế bào lympho T tự miễn, nếu có tín hiệu đó chúng sẽ kích thích sự trưởng thành của các tế bào plasma và tế bào B nhớ, và từ đó dẫn đến bệnh tự miễn trên hệ thống cơ thể và trở thành mãn tính. Sự tự miễn chống lại các ribonucleoprotein trong nhân (nRNP) Kháng thể tự miễn chống lại ribonucleoprotein trong nhân (nRNP) A và C đầu tiên chỉ tấn công các motif giàu proline . Các kháng thể này sau đó bám lan sang các epitope khác. Sự tương đồng và phản ứng chéo giữa các mục tiêu ban đầu của kháng thể tự miễn kháng nRNP và Sm (Sm là viết tắt của Smith – tên một bệnh nhân chết vì bệnh lupus ban đỏ hệ thống, người ta đã tìm ra kháng nguyên Sm ở mô của cô và kháng nguyên đó đã trở thành nguyên lý để xét nghiệm bệnh này) cho thấy cơ chế tương đồng và điểm tập trung của sự lan tỏa epitope giữa các phân tử. Các cơ chế khác Sản phẩm của gen HMGB1 biểu hiện nhiều hơn trong huyết thanh của người và chuột bị lupus ban đỏ hệ thống, High Mobility Group Box 1 ( HMGB1 ) là một loại protein trong nhân tế bào tham gia vào cấu trúc của chromatin và điều hòa việc phiên mã . Gần đây có nhiều bằng chứng cho thấy HMGB1 tham gia vào cơ chế của các bệnh viêm mãn tính và bệnh tự miễn vì có chức năng trong việc kích thích miễn dịch và quá trình trước viêm.

Bệnh Lupus ban đỏ ở trẻ sơ sinh

Bệnh Lupus ban đỏ hiếm khi gặp ở trẻ em trước tuổi dậy thì. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh này được gọi là Lupus sơ sinh. Các bậc cha mẹ nên nhận biết những dấu hiệu của bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. 1. Thế nào là Lupus sơ sinh? Dạng Lupus ban đỏ hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh là “Lupus sơ sinh”. Đây là bệnh Lupus ở trẻ nhỏ sinh ra từ mẹ có kháng thể Ro/SSA. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1% trẻ em dương tính với kháng thể của người mẹ mà phát triển thành bệnh Lupus ban đỏ ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện lâm sàng gồm bất thường về tim mạch, da liễu, gan,…một số còn bất thường máu. Việc chuẩn đoán bệnh Lupus ở trẻ sơ sinh khác với chuẩn đoán Lupus ở người lớn. Ở trẻ sẽ không có nguy cơ gia tăng bệnh thận và tự kháng thể như lứa tuổi trưởng thành, bệnh thường xảy ra khi trẻ chập chững biết đi và tỷ lệ ở bé gái là cao hơn cả. Trẻ thường mệt mỏi kèm sốt không rõ nguyên nhân, đau và viêm khớp. Những trẻ sơ sinh mà cha mẹ mắc bệnh Lupus có kháng thể Ro/SSA , La/SSB hoặ Ui-RNP sẽ có tỷ lệ mắc bệnh Lupus cao hơn do lây nhiễm qua nhau thai. Bệnh thường khởi phát vài tuần sau khi trẻ được sinh ra. 2. Triệu chứng bệnh Lupus ban đỏ ở trẻ sơ sinh Triệu chứng thường gặp ở ngoài da là : da có màng đỏ và bị bong vảy, có viền đỏ hằn rõ, vết đỏ thường có hình tròn vừa bằng chiếc nhẫn. Những vết đỏ này thường thấy ở da đầu, cổ, mặt và vùng quanh mắt. Một số trẻ thì có biểu hiện vết này ở trên người và chân tay. Nốt nang lông không rõ. Bệnh thường khởi phát gây tổn thương cho trẻ vào vài tuần sau sinh khi trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Sau năm đầu tiên khởi bệnh, tổn thương lành và để lại vết da teo. Biểu hiện về tim: Tỷ lệ nghẽn tim bẩm sinh ở trẻ được sinh ra ở người mẹ bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là từ 10 -30 %, sự xuất hiện của kháng thể Ro, kháng La làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ. Biểu hiện của gan : gan to bất thường. Biểu hiện hệ thần kinh trung ương : Hay gặp là bất thường về hệ thống mạch máu. Biểu hiện về máu : khi phân thích máu sẽ có thể thấy trong máu của trẻ bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là: giảm tiểu cầu , huyết khối, và xuất hiện kháng thể kháng Cardiolipin. 3. Điều trị bệnh Lupus ở trẻ em Điều trị bệnh lupus ở trẻ em không khác gì so với điều trị ở người lớn. Dùng corticoid là không có lợi vì có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Thường điều trị cách ngày để giảm bớt ảnh hưởng lên sự phát triển. 4. Điều trị Lupus ở bà mẹ đang mang thai Nếu như người mẹ đang mang thai mà bị bệnh Lupus thì khả năng con bị bệnh Lupus sẽ cao. Việc điều trị bệnh Lupus ở người mẹ cũng làm giảm các biến chứng ở con. Sử dụng thuốc bôi corticoid nhẹ, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Tổn thương hết khi kháng thể của mẹ giảm. 5. Các tổn thương của bệnh Lupus gây ra ở trẻ Trên da: Biểu hiện trên da thường thấy là bị hồng ban xuất hiện trên mặt, đặc biệt là ở trên mũi. Đây là đặc trưng dễ nhận thấy ở hầu hết những người bị bệnh Lupus. Vết ban trên mặt gồ lên như mề đay, nặng hơn nếu bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, hồng ban còn xuất hiện ở trên những ngón tay. Một số trường hợp có biểu hiện tổn thương do bệnh Lupus như rụng tóc thành từng vùng trên da đầu, hay trên da xuất hiện các bọng nước rồi biến mất. Tổn thương Lupus dạng đĩa: Bệnh có biểu hiện như bị sừng hóa , teo da ở các vùng da mặt và các vùng da hở. Các tổn thương này rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Bệnh chỉ có biểu hiện ở ngoài da mà không có tổn thương đến nội tạng cơ thể. Tuy nhiên theo các nghiên cứu khoa học thì có khoảng từ 1-3% bệnh nhân ban đỏ dạng đĩa sẽ bị tiến triển thành Lupus ban đỏ hệ thống. Tổn thương hồng ban bán cấp: các hồng ban thường xuất hiện ở các khớp, cổ và cánh tay, rất nhạy cảm với tia cực tím. Biểu hiện tổn thương này xuất hiện ở những bệnh nhân mang kháng thể kháng Ro/SSA . Tổn thương hình lưới: tổn thương này xuất hiện ở những người bệnh có hội chứng kháng phospholipide. Tổn thương xuất hiện dạng bông ở mu bàn tay chân và thường xuất hiện ở đầu gối. Tổn thương của bệnh Lupus ở khớp Biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh Lupus là đau khớp . Tuy nhiên, bệnh Lupus không làm tổn thương sụn và bào mòn xương như viêm thấp khớp. Các khớp bị đau khiến người bệnh không đi lại được nếu ở trong giai đoạn cấp của bệnh Lupus. Một số người mắc bệnh Lupus gây tổn hại đến các khớp tay, khó có thể nắm chặt tay, ngón cái bị dạng nhiều. Đây là biểu hiện của bệnh khớp Jaccoud, cả khớp và dây chằng bị tổn thương khiến các ngón tay bị gấp nhẹ và người bệnh có thể đau cơ rất nhiều. Tổn thương của bệnh Lupus ở thận Tổn thương ở thận do bệnh Lupus tiến triển khá lâu khó có thể nhận biết. Chỉ có phương pháp phân tích nước tiểu mới có thể chuẩn đoán được bệnh. – Dấu hiệu tiểu ra protein là dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân Lupus ban đỏ. Do cầu thận bị tổn thương nên thận không còn khả năng lọc protein khỏi nước tiểu. – Dấu hiệu tiểu ra máu (xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu) – Dấu hiệu tăng huyết áp. Tổn thương của bệnh Lupus ở mạch máu Thường thấy ở các bệnh nhân mắc bệnh Lupus là các mạch máu nhỏ bị viêm. Xuất hiện chủ yếu ở khuỷu tay, chân. Có trường hợp bị viêm ở các mạch máu lớn hơn. Và thậm chí các mạch máu ở đáy mắt cũng bị tổn thương do kháng thể phospholipides. Tổn thương của bệnh Lupus tới tim và phổi Tổn thương này xuất hiện trong đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus. Màng tim bị viêm gây tràn dịch màng ngoài tim khiến bệnh nhân thở khó do đau ngực và khi hít sâu thì cơn đau càng tăng. Nếu trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng phổi do thuốc ức chế miễn dịch nên sức đề kháng của cơ thể kém. Nặng nhất ở tổn thương phổi là bị thuyên tắc phổi, có biểu hiện lâm sàng là: đau ngực, khó thở cấp tính, ho ra máu. Tổn thương của bệnh lupus tới mắt Thường gặp ở bệnh nhân là khô mắt do tuyến nước mắt tiết không đủ. Việc sử dụng thuốc corticoid khi điều trị bệnh Lupus có khả năng làm đục thủy tinh thể, thuốc chống sốt rét gây tổn thương cho giác mạc và võng mạc . Tổn thương của bệnh Lupus tới não Não là cơ quan phúc tạp nên khó có thể chuẩn đoán và nắm bắt được. Và hầu hết những tổn thương gặp ở não do bệnh Lupus là viêm mạch máu hoặc thuyên tắc tĩnh mạnh ( xuất hiện ở những bệnh nhân có kháng thể phospholipide) hoặc do nhiễm trùng ( do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) Các biểu hiện thường thấy là đau đầu, động kinh , trầm cảm, rối loạn nhận thức và trí nhớ . Tổn thương các cơ quan khác Các tổn thương khác như hạch và lách bị phù, dễ bị triệu chứng này trong giai đoạn cấp của bệnh. Số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu có thể bị giảm, do đó cần phải theo dõi thường xuyên mới có biện pháp điều trị kịp thời. Nguồn: Tổng hợp

Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống - Triệu chứng

Lupus ban đỏ hệ thống ( Systemic lupus erythematosus , SLE hay lupus ), là một bệnh tự miễn của mô liên kết , có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim , các khớp , da , phổi , các mạch máu , gan , thận , và hệ thần kinh . Quá trình phát triển bệnh rất khó đoán trước, có những giai đoạn bị ốm xen kẽ với những giai đoạn phục hồi . Bệnh này phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50, và phổ biến hơn ở những người không có nguồn gốc châu Âu. Lupus ban đỏ hệ thống có thể điều trị được bằng cách điều trị các triệu chứng của bệnh , chủ yếu bằng các corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch ; nhưng chưa có biện pháp chữa trị triệt để nào. Lupus ban đỏ hệ thống có thể nguy hiểm chết người, nhưng với những tiến bộ trong y học hiện nay, tử vong đang trở nên hiếm hơn. Tỉ lệ sống sót ở những bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở Hoa Kỳ, Canada, và châu Âu là khoảng 95% trong 5 năm , 90% trong 10 năm, và 78% ở 20 năm. Triệu chứng Lupus ban đỏ hệ thống Lupus ban đỏ hệ thống có nhiều triệu chứng giống và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, các triệu chứng của bệnh rất khác nhau và xuất hiện không lường trước được. Vì thế bệnh rất khó chẩn đoán, nhiều người phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ hẹ thống mà không rõ nguyên nhân và không được điều trị đúng trong thời gian dài. Những triệu chứng ban đầu và kéo dài phổ biến bao gồm sốt , khó ở , đau khớp , mỏi cơ , mệt mỏi , và mất khả năng nhận thức tạm thời. Bởi vì các triệu chứng này cũng thường thấy ở những bệnh khác, chúng không phải là những tiêu chí chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, khi xảy ra cùng với những triệu chứng dưới đây thì hãy nghĩ đến Lupus ban đỏ hệ thống: Triệu chứng về da liễu Đây là triệu chứng thường gặp của bệnh với các biểu hiện: phát ban má (hay phát ban hình bướm). Một số có thể bị vảy nến màu đỏ và dày trên da (gọi là lupus dạng đĩa); rụng tóc; loét miệng, mũi và âm đạo; và các thương tổn trên da cũng là những dấu hiệu có thể xuất hiện. Triệu chứng về cơ xương Triệu chứng được khám nhiều nhất là đau khớp, những khớp nhỏ ở tay và cổ tay thường bị ảnh hưởng nhất, mặc dù tất cả các khớp đều có nguy cơ. Tổ chức về Bệnh Lupus ở Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 90% bệnh nhân bị đau khớp hoặc cơ trong một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển bệnh. Không giống như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp trong lupus ít gây tàn tật và thường không gây hủy hoại trầm trọng cho khớp. Ít hơn 10% bệnh nhân viêm khớp lupus bị biến dạng bàn tay và bàn chân. Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống cũng có nguy cơ bị lao xương khớp. Cũng có thể có những mối liên quan giữa viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống, và lupus ban đỏ hệ thống có liên quan đến nguy cơ rạn xương ở phụ nữ trẻ tuổi. Triệu chứng về huyết học Thiếu máu và thiếu sắt có thể xảy ra ở 50% các ca bệnh. Số lượng tiểu cầu và bạch cầu thấp có thể do bệnh gây ra hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị gây ra. Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống cũng có liên quan đến Hội chứng kháng phospholipid -tiếng Anh là Antiphospholipid syndrome (một loại rối loạn huyết khối), trong đó kháng thể chống lại phospholipid có trong huyết thanh người bệnh. Hội chứng kháng thể kháng phospholipid bao gồm việc kéo dài thời gian kích hoạt thromboplastin bán phần – Partital thromboplastin time- (thường chỉ xảy ra trong các bệnh xuất huyết) và xét nghiệm dương tính đối với kháng thể kháng phospholipid; trường hợp có cả hai kết quả đó được gọi là chất chống đông lupus -dương tính (lupus anticoagulant – positive). Một loại kháng thể tự miễn khác trong bệnh này là kháng thể kháng cardiolipin (anticardiolipin antibody), kháng thể này có thể gây dương tính giả khi xét nghiệm bệnh giang mai . Triệu chứng về tim Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có thể bị viêm các phần khác nhau ở tim , ví dụ như viêm màng ngoài tim (còn gọi là viêm ngoại tâm mạc), viêm cơ tim , và viêm màng trong tim (còn gọi là viêm nội tâm mạc ). Viêm màng trong tim ở bệnh này thuộc dạng không viêm nhiễm điển hình ( viêm màng trong tim Libman-Sacks ) và có thể ở van hai lá hoặc van ba lá . Xơ vữa động mạch cũng biểu hiện nhiều hơn và tiến triển nhanh hơn ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Triệu chứng về phổi Viêm phổi và màng phổi có thể gây ra bệnh viêm màng phổi , tràn dịch màng phổi , viêm phổi lupus, bệnh xơ cứng khe phổi mãn tính (chronic diffuse interstitial lung disease), tăng huyết áp phổi , nghẽn mạch phổi , xuất huyết phổi , và hội chứng co phổi (shrinking lung syndrome). Triệu chứng về thận Huyết niệu (có máu trong nước tiểu) hoặc protein niệu (có protein trong nước tiểu) là dấu hiệu về thận duy nhất. Việc hủy hoại thận cấp tính hoặc mãn tính có thể phát triển viêm thận lupus , dẫn tới suy thận cấp tính hoặc giai đoạn cuối. Nếu chẩn đoán ra và điều trị sớm lupus ban đỏ hệ thống thì suy thận giai đoạn cuối chỉ xảy ra ở ít hơn 5% các ca bệnh. Dấu hiệu xác nhận về mô học của bệnh lupus ban đỏ là viêm cầu thận màng với hình ảnh bất thường có dạng “vòng dây”. Hình ảnh đó là do ứ đọng các phức hợp miễn dịch dọc theo lớp màng nền cầu thận (glomerular basement membrane), tạo ra hình ảnh hạt điển hình khi xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang . Triệu chứng về thần kinh-tâm thần Những hội chứng về thần kinh – tâm thần có thể xuất hiện khi bệnh lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh ngoại biên . Trường Thấp khớp học Hoa Kỳ đã xác định 19 hội chứng thần kinh – tâm thần ở bệnh này. Việc chẩn đoán các hội chứng thần kinh – tâm thần đi kèm với lupus ban đỏ hệ thống là một trong những thách thức khó khăn nhất trong y học, bởi vì nó còn liên quan đến rất nhiều triệu chứng khác, một số có thể bị nhầm với những dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm hoặc đột quỵ. Biểu hiện thần kinh – tâm thần mà bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống mắc phải nhiều nhất là đau đầu, mặc dù vậy, người ta còn đang tranh cãi việc có loại đau đầu lupus đặc hiệu riêng không và có phương pháp tiếp cận tối ưu đối với đau đầu ở lupus ban đỏ hệ thống hay không.Các biểu hiện thần kinh – tâm thần phổ biến khác là sa sút trí tuệ , rối loạn tính khí , các bệnh về mạch máu não, động kinh , bệnh đa dây thần kinh, rối loạn lo âu , và loạn tâm thần (psychosis). Có thể xuất hiện hội chứng tăng huyết áp trong sọ (intracranial hypertension syndrome) nhưng rất hiếm, với đặc điểm là áp suất trong sọ tăng cao, phù gai thị (papilledema) (sưng đầu dây thần kinh thị giác, và đau đầu và đôi khi bị liệt nhẹ dây thần kinh vận nhãn ngoài, không có những tổn thương chiếm không gian trong sọ hoặc tâm thất nở rộng, và các thành phần huyết học và chất hóa học trong dịch não tủy đều bình thường. Một biểu hiện hiếm gặp nữa là mê sảng , hội chứng Guillain-Barré , viêm màng não vô trùng (aseptic meningitis), các bệnh thần kinh tự miễn , hội chứng thoái hóa myelin (Demyelinating disease), bệnh một dây thần kinh (mononeuropathy) (có thể biểu hiện ở dạng bệnh một dây thần kinh nhiều chỗ (mononeuritis multiplex)), rối loạn vận động (cụ thể là chứng múa giật – chorea), chứng nhược cơ (myasthenia gravis), bệnh tủy sống , bệnh dây thần kinh sọ và tổn thương đám rối (plexopathy). Triệu chứng hệ thống Mệt mỏi ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nhiều nguyên nhân và liên quan không chỉ đến những diễn biến hay biến chứng bệnh như thiếu máu hay suy giáp mà còn do đau ; trầm cảm ; ngủ không ngon; thiếu cân đối thể chất và ít nhận được sự hỗ trợ xã hội. Nguồn: Wikipedia

Nguyên nhân, triệu chứng, phòng và điều trị huyết áp thấp

Tỷ lệ người mắc bệnh huyết áp thấp khá phổ biến trong dân số (5-7%) và đang ngày càng gia tăng. Nữ giới thường mắc bệnh này nhiều hơ (gấp 30 lần). Nếu không biết cách đề phòng và chữa trị có thể dẫn tới đột quỵ gây tử vong. Hiểu biết cơ bản về bệnh sẽ giúp chúng ta có một cách nhìn khoa học và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình. 1. Huyết áp thấp là gì? Huyết áp chính là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm, kích thước cũng như độ đàn hồi của thành động mạch. Ở người bình thường, huyết áp tâm thu là 100-140mHG, huyết áp tâm trương là 70-90mmHg. Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, mạch áp có hiệu số thường dưới 20mmHg (Huyết áp trung bình là 120/80 mmHg). Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này. 2. Các dấu hiệu, triệu chứng bệnh huyết áp thấp: Hoa mắt, chóng mặt do huyết áp thấp (Ảnh minh họa) Khi bị huyết áp thấp, người bệnh sẽ có một hoặc nhiều các dấu hiệu, triệu chứng sau: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, lả, có cảm giác buồn nôn và rất muốn được nghỉ ngơi. Khó tập trung và dễ nổi cáu, lạnh tay chân. Suy giảm khả năng tình dục Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc. Thở dốc nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng. 3. Nguyên nhân gây huyết áp thấp Có nhiều nguyên nhân dẫn tới huyết áp thấp, tuổi càng cao đồng nghĩa với nguy cơ bị huyết áp thấp càng cao. Phụ nữ cũng là đối tượng bị huyết áp thấp nhiều hơn nam giới. Các nguyên nhân chủ yếu: Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp . Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp, sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc. Do suy giảm glucoza . Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi. Hàm lượng hemoglobin thấp . Một ngưòi khoẻ mạnh hàm lượng hemoglobin trong máu ở mức 100 milliters. Ở nam giới hàm lượng này ở mức 13,5 tới 17,5 g/ dl còn ở nữ giới là 11,5 tơi 15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp tức là dưới mức 9g/dl sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng hoa mắt, chóng mặt. Nhịp tim chậm . Nếu nhịp tim đập dưới 60 nhịp trong một phút, sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một trong những nhân tố dẫn tới bệnh huyết áp thấp. Khi cơ thể gặp lạnh, mưa . Stress và di truyền cũng là những nguyên nhân dẫn tới huyết áp thấp. 4. Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào? Huyết áp thấp là một bệnh lý thường gặp khi áp lực máu không đủ để đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan đặc biệt là não bộ. Các biến chứng nguy hiểm của huyết áp thấp qua nhiều thống kê cho thấy huyết áp thấp có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não (30%). Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng. Chính vì vậy người bị huyết áp thấp không nên chủ quan, coi thường bệnh. 5. Điều trị và phòng tránh huyết áp thấp Nếu bị Huyết áp thấp do suy giảm hoạt động của tuyển giáp, bạn nên đến bác sỹ thăm khám, xét nghiệm máu để phát hiện ra nguyên nhân, bác sỹ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Trường hợp bị Huyết áp thấp không do nguyên nhân trên, bạn cần thực hiện các biện pháp sau: – Thay đổi tư thế đúng, khi ngủ máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy; để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên. – Trong sinh hoạt hằng ngày cũng cần tránh thay đổi tư thế đột ngột nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể. – Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. – Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya. – Cẩn thận trọng khi xông hơi, tắm nước nóng để tránh nguy cơ tụt huyết áp do mất nước, giãn mạch. – Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp. Nhiều người bị huyết áp thấp là do giảm trương lực thần kinh – mạch máu, thành mạch máu quá yếu, sức co bóp của tim giảm do cơ tim yếu. Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao. Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông… phù hợp với thể lực đều rất tốt. – Người bị huyết áp thấp vẫn có thể mắc bệnh tăng huyết áp, nhất là ở tuổi trên 50, vì vậy cần thường xuyên kiểm tra huyết áp để có thể điều chỉnh cho hợp lý. Người bệnh huyết áp thấp nên ăn uống như thế nào? – Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên  nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một it muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. – Nên ăn mặn hơn người bình thường (10-15g/ ngày). Nếu có bị bệnh tim cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều chỉnh sang chế độ ăn này. – Chế độ ăn nên giảm các loại thực phẩm giàu carbon hydrate như khoai tây, cơm gạo và bánh mỳ Không nên ăn quá nhiều chất bổ dưỡng như trứng, thịt mỡ, sữa béo để tránh béo phì. Tăng lượng rau quả, thịt lườn gà và cá trong chế độ ăn. – Ngoài ra sữa, mật ong, nước chanh pha đường và muối cũng đem lại những tác dụng đáng kể, dùng nước khoáng mặn hằng ngày càng tốt. Sữa ong chúa là loại dinh dưỡng cao cấp, rất tốt và bổ nhưng không phải ai cũng dùng được. Trong sữa ong chúa có những chất làm giảm co bóp cơ tim, làm giãn động mạch huyết quản, có tác dụng hạ huyết áp. Và trong sữa ong chúa còn có chất insulin, có thể tăng cường tác dụng của chất insulin trong cơ thể, làm tăng phản ứng hạ đường huyết nên thận trọng. – Bên cạnh đó cà phê và trà đặc cũng có những đóng góp rất tích cực đối với chứng huyết áp thấp. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng, sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu. – Uống đủ lượng nước là rất quan trọng, bởi lẽ nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. – Ăn thành nhiều bữa nhỏ. Thay vì việc chỉ ăn 3 bữa chính như thông thường, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. – Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo. – Tránh xa các loại đồ uống có cồn. Vì sử dụng đồ uống có cồn gây mất nước trong cơ thể. Hồng Vân

Bài viết nổi bật

Loading...