Táo bón ra máu khi mang thai do đâu? Cách cải thiện?
Giai đoạn mang thai chị em gặp nhiều thay đổi từ nội tiết sinh lý bên trong tới ngoại hình bên ngoài. Một trong những điều khiến nhiều chị em than phiền chính là hiện tượng táo bón ra máu. Vậy nguyên nhân do đâu khiến bà bầu bị táo bón ra máu? Cách xử trí như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi những thông tin sau đây.
Mục lục
Nguyên nhân gây táo bón ra máu khi mang thai
Các bệnh lý liên quan tới hậu môn, trực tràng thường xảy ra ở chị em đang mang thai. Do sức nặng, kích thước của thai nhi khi phát triển sẽ tạo áp lực lên các cơ quan vùng chậu, kết hợp với chế độ ăn uống thiếu chất xơ, lười vận động gây ra tình trạng này. Sau đây là một số bệnh lý có thể khiến bạn bị táo bón ra máu khi mang thai:
Táo bón
Trong suốt thai kỳ chắc hẳn bạn không ít lần bị chứng táo bón “ghé thăm”. Táo bón khiến phân thô cứng, khi đi qua niêm mạc ống hậu môn – trực tràng gây trầy xước và chảy máu hậu môn gây đi ngoài ra máu.
Nguyên nhân gây táo bón trong thai kỳ bắt nguồn từ sự gia tăng hormone progesterone trong thời kỳ mang thai làm hoạt động của nhu động ruột giảm mạnh. Cùng với đó, nếu dinh dưỡng thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ táo bón ở bà bầu. Tâm lý căng thẳng, stress kèm thói quen ít vận động cũng gây ảnh hưởng tới táo bón.
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ hình thành khi các mạch máu bao quanh trực tràng bị sưng lên khiến thai phụ đau đớn trong vài tháng cuối của thai kỳ và sau sinh. Khi bị táo bón càng làm tăng áp lực lên các mạch máu khiến búi trĩ càng lớn hơn khiến bà bầu bị táo bón rau máu. Điều này thường đi kèm với đau đớn và khó chịu trong thai kỳ.
Nứt kẽ hậu môn
Các vết nứt xuất hiện ở niêm mạc trực tràng khiến thai phụ cảm thấy đau dữ dội và chảy máu trong. Đây là hiện tượng xảy ra do sự căng giãn quá mức của các cơ xung quanh ống hậu môn. Đối với các trường hợp bị nặng, tổn thương có thể lan rộng, ăn sâu vào cơ vòng khi bạn cố rặn phân ra ngoài.
Khi bị táo bón, bà bầu thường cố rặn để đẩy khối phân cứng ra ngoài. Khi các vết nứt xuất hiện hậu môn mà mẹ bầu vẫn cố rặn nhiều lần khiến vết nứt lại càng lan rộng và xuất hiện máu. Các vết nứt chảy máu không chỉ gây đau nhức mà còn khiến mẹ bầu rất khó chịu.
Chảy máu trực tràng
Đây là một trong những tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai do bệnh trĩ hay biến chứng của bệnh Crohn. Ngoài hiện tượng đi ngoài ra máu, mẹ bầu còn có triệu chứng khác kèm theo như trực tràng căng cứng, đau nhức, cảm thấy chóng mặt, choáng váng.. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nếu bị đi ngoài ra máu là do chảy máu trực tràng. Do đó, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Táo bón ra máu khi mang thai có sao không?
Theo các chuyên gia sức khỏe về sinh sản, khi mang thai bị táo bón ra máu là bình thường nếu nó chỉ xảy ra trong 1 – 2 ngày. Nhưng nếu cứ kéo dài thì sẽ gây nguy hiểm với mẹ và thai nhi.
Bởi hiện tượng táo bón ra máu kéo dài, lượng máu không đủ cung cấp cho thai nhi khiến thai nhi chậm phát triển. Khi sinh ra trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Trường hợp nặng hơn, thai nhi có thể bị sảy do sức khỏe của mẹ bầu kém, cơ thể suy nhược, rối loạn tiêu hóa…
Do đó, các bà bầu tuyệt đối không nên chủ quan, thờ ơ mà cần điều trị đúng. Nếu bà bầu phát hiện bị táo bón ra máu, hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể. Không nên tự ý mua thuốc về điều trị khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Do trong quá trình mang thai, cơ thể rất dễ mẫn cảm, khả năng thai nhi dị tật cao nếu sử dụng thuốc không đúng cách, sai cách, sai liều lượng.
Táo bón ra máu khi mang thai khi nào gặp bác sĩ?
Táo bón ra máu có thể là hiện tượng bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Hãy gặp bác sĩ khi táo bón ra máu kèm một số triệu chứng sau đây:
- Sốt.
- Đầy bụng, đau bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Giảm cân.
- Phân có dạng bút chì, rò rỉ phân hoặc không thể đi tiêu.
Hãy nhập viện ngay nếu:
- Phân có màu đen hoặc nâu đỏ.
- Mất máu trầm trọng.
- Đau hoặc chấn thương trực tràng.
- Chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu.
- Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường
Thông tin xem thêm: Cẩn trọng với chứng táo bón kéo dài
Làm gì khi bà bầu bị táo bón ra máu?
Phần lớn các trường hợp bị táo bón ra máu do chứng táo bón, trĩ, nứt hậu môn… gây ra. Do đó, để cải thiện tình trạng tốt nhất chị em nên thực hiện các biện pháp giảm táo bón bằng cách:
Giảm sự gia tăng áp lực cho vùng bụng
Để quá trình đi đại tiện gặp nhiều thuận lợi, nên giảm sự gia tăng áp lực cho vùng bụng bằng cách ngồi xổm mỗi khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bà bầu hạn chế ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Không nên ăn đồ ăn cay nóng
Thực phẩm chứa nhiều chất kích thích không có lợi cho tiêu hóa, khiến táo bón càng trở nên tồi tệ. Do đó, để quá trình điều trị táo bón ra máu được thuận lợi, các mẹ nên tránh xa những đồ ăn cay nóng. Khi điều trị khỏi, các mẹ cũng hạn chế các loại đồ ăn này nhé.
Bổ sung thực phẩm nhuận tràng
Bổ sung những thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp cải thiện chức năng của đại tràng, tạo khối phân, bình thường hóa trạng thái phân và số lần đi ngoài. Một số thực phẩm giàu chất xơ phải kể tới như gạo nâu, các loại đậu, lê, táo, quả mâm xôi, đu đủ, cam, chuối, các loại rau lá xanh, mận…
Ngoài ra, táo là loại quả chứa pectit có tác dụng tăng tính nhuận tẩy, bảo vệ đường ruột. Mận và kiwi có các loại vitamin, khoáng chất tự nhiên giúp điều hòa nhu động ruột.
Đọc chi tiết: Bị táo bón nên ăn quả gì?
Chia thành nhiều bữa nhỏ
Mẹ bầu nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, không nên ăn quá no để giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Bổ sung đủ nước
Hệ tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn nếu bạn bổ sung đủ nước cho cơ thể. Hãy uống từ 2 – 2,5 lít nước trong ngày. Việc uống đủ nước sẽ kích thích quá trình chuyển hóa, giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn.
Vận động nhẹ nhàng
Mỗi ngày thai phụ nên vận động ít nhất 15 phút. Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng, tập bài yoga dành cho bà bầu. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa táo bón mà còn giúp tăng cường sức khỏe rất tốt cho bà bầu.
Tập thói quen đi đại tiện đúng giờ
Mẹ bầu nên tập thói quen đi đại tiện theo giờ nhằm tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa gây táo bón. Bạn nên tạo cho mình một thời gian biểu hợp lý để đi đại tiện, tốt nhất là mỗi sáng sau khi thức dậy. Không nên nhịn đại tiện, điều này sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém dần đi, lâu dần dễ mắc đi ngoài ra máu cũng như khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Vệ sinh hậu môn sạch sẽ
Nếu bị trĩ, nứt kẽ hậu môn… mà không vệ sinh sạch sẽ khiến các ổ áp xe hình thành khiến hậu môn nóng rát, niêm mạc sưng đỏ, nặng ơn là kèm theo các ổ mủ chảy dịch. Do đó, sau khi đi đại tiện các mẹ cần chú ý vệ sinh hậu môn sạch sẽ nhé.
Đổi dạng thuốc
Sắt có thể khiến bạn bị táo bón, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ có nên chuyển sang sử dụng vitamin tổng hợp trước khi sinh hay không. Đối với chảy máu dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhuận tràng hoặc chống táo bón khác. Tuy nhiên, trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào trong số này, cần có sự cho phép của bác sĩ.
Đọc chi tiết tại: Đừng chủ quan với chứng táo bón ra máu khi mang thai