Chớ coi thường rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể bị rối loạn tiêu hóa nếu như không được chăm sóc đúng cách. Bệnh rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời! Bài viết sẽ cung cấp cho các bà mẹ những điều cần biết về chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
Thế nào là rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh?
Nếu như bạn cho rằng rối loạn tiêu hóa chỉ có ở người lớn hoặc trẻ nhỏ giai đoạn lớn hơn thì bạn đã sai lầm. Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc rối loạn tiêu hóa nhiều nhất do hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thực sự hoàn thiện, các chức năng miễn dịch còn chưa đủ mạnh giúp bé chống chọi với sự xâm nhập của vi khuẩn.
Vậy rối loạn tiêu hóa là như thế nào? Rối loạn tiêu hóa là sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa làm cơ thể đau bụng và thay đổi vấn đề đại tiện. Bệnh gây ra cảm giác khó chịu cho trẻ sơ sinh, khiến cho trẻ ốm đau và mệt mỏi. Đôi khi tình trạng bệnh còn là biểu hiện của nhiều bệnh khác hoặc tình trạng bệnh kéo dài có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ nhỏ.
Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Nôn, trớ
Trẻ sơ sinh thông thường được cho ăn mỗi bữa cách nhau 3 giờ, ngày đi ngoài tầm 5-10 lần/ ngày. Tuy nhiên nếu như trẻ ăn quá nhiều trong một bữa hoặc số bữa quá dày cũng khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ, khó chịu. Đặc biệt là tư thế bế trẻ, cho trẻ bú không đúng cách cũng có thể khiến trẻ trớ sữa.
Táo bón
Trẻ sơ sinh rất dễ bị táo bón, nhất là những trẻ được bú sữa bột do bản thân người mẹ không đủ sữa. Bé bị táo bón, phân khô, khó hoặc không đi tiêu được dẫn đến chướng bụng, đầy hơi. Nguyên nhân có thể do sữa bột pha quá đặc ( tỷ lệ hơn một muỗng cho 30ml nước) khi cho bé khó hấp thu, tiêu hóa. Chính vì vậy, các bà mẹ cần chú ý pha sữa đúng tỷ lệ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tiêu chảy
Trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy do bú không đủ hoặc bú nhiều quá. Ngoài ra còn có thể do nhiễm trùng, dị ứng sữa, hội chứng kém hấp thu,..v..v.. Biểu hiện cụ thể của tiêu chảy do trẻ bú sữa ít là phân có màu xanh, lẫn nước nhưng lượng ít.
Ðau bụng
Bé bị đau bụng thường quấy khóc rất nhiều, bụng chướng, chân co lên bụng, bàn tay nắm chặt. Mặt trẻ đỏ ửng lên hoặc tái đi. Trẻ bị đau bụng có thể do bị đói hoặc người mẹ cho bú nhiều quá khiến trẻ nuốt nhiều hơi trong khi bú, dẫn đến bụng chướng, đau bụng.
Bú kém
Do bị những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón diễn ra liên tục khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, bú kém đi, ít đi một nửa thể tích sữa so với bình thường.
Chậm tăng cân hoặc béo phì
Trẻ sơ sinh bình thường có thể tăng cân khoảng 25g mỗi ngày, đầy tháng lên được trung bình là 700g. Tuy nhiên, khi bị rối loạn tiêu hóa, lượng sữa không đủ, trẻ quấy khóc nhiều kèm theo táo bón, tiêu chảy có thể khiến bé chậm tăng cân.
Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ bị béo phì. Nguyên do là bởi việc bú sữa bột pha quá đặc, cơ thể trẻ sơ sinh có thể bị dư chất béo, chất đường, gây nên tình trạng béo phì ở trẻ.
Phải làm sao khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
- Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám chữa kịp thời.
- Chú ý tư thế khi cho trẻ bú một cách thuận lợi nhất.
- Pha sữa đúng liều lượng, không đặc quá, không loãng quá. Chú ý pha bằng nước sôi để nguội, giữ độ ấm vừa phải theo tiêu chí 6 phần lạnh, 4 phần nóng. Không cho trẻ uống sữa đã để quá 1 tiếng hoặc sữa không được bảo quản.
- Vệ sinh sạch sẽ tất cả những đồ dùng của bé, đặc biệt là bình sữa, thìa pha sữa, cốc nước,..v..v..
- Khi ở trong thời kỳ cho con bú, người mẹ nên tránh ăn những thực phẩm có tính hàn, nhuận trạng.
- Không để bé tiếp xúc với những người đang bị ốm, ho, sốt hoặc bị tiêu chảy. Tránh trường hợp bé có thể bị lây nhiễm
Khi trẻ sơ sinh gặp phải vấn đề về tiêu hóa, cha mẹ không được coi thường tình trạng này cần phải có biện pháp thích hợp từ sự can thiệp của bác sĩ để trẻ khỏi bệnh nhanh nhất. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ sút cân trầm trọng thậm chí tiềm ẩn các bệnh nguy hiểm khác.
Ngọc Ngà