Chị em nên làm gì để phòng tránh bệnh phụ khoa
Bệnh phụ khoa khá phổ biến ở chị em nhưng rất nhiều chị em lại rất ngần ngại khi nhắc đến vấn đề này. Các bệnh phụ khoa có thể gặp ở phụ nữ như viêm âm đạo, viêm phần phụ, bệnh lây qua đường tình dục… nếu không phát hiện điều trị sớm sẽ có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư.
Các bệnh ung thư phụ khoa phổ biến nhất ở chị em là ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Canada thì 3 bệnh ung thư này chiếm 10% ước tính các trường hợp mới mắc bệnh ung thư ở phụ nữ trong năm 2005 và 37% số trường hợp mắc bệnh ung thư này đã tử vong.
Do đó, điều quan trọng nhất chị em có thể làm để bảo vệ sức khỏe là phải biết quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Vậy có những cách nào giúp chị em tránh mắc bệnh phụ khoa?
1. Khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap thường xuyên:
Chị em nên tiến hành khám phụ khoa theo định kỳ 6 tháng 1 lần để nắm bắt được tình hình sức khỏe của bản thân.
Xét nghiệm Pap (Xét nghiệm tế bào cổ tử cung) là cách phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Đây là xét nghiệm thường quy cần làm cho tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục, không giới hạn về tuổi.
PAP nên được tiến hành mỗi năm /lần và bắt đầu từ khi có quan hệ tình dục đầu tiên. Nếu kết quả sau 3 lần liên tiếp là bình thường, PAP có thể được làm mỗi 1-3 năm/lần. Nếu kết quả có viêm nhiễm hoặc tổn thương nghi ngờ, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên xét nghiệm PAP 6 tháng/lần.
2. Quan hệ tình dục an toàn:
Thực hành tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hiện nay, theo nhiều thống kê thì có tới hơn 20 bệnh lây truyền qua đường tình dục đã được xác định. Khi nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh tình dục, người phụ nữ sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa và các vấn đề rắc rối khác trong sức khỏe sinh sản.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ dàng lây nhiễm nếu không sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn trong quan hệ tình dục là: lậu, giang mai, HPV, AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch), chlamydia… Chị em nhiễm các bệnh này có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung, có thể gây ra vùng chậu bệnh viêm, thai ngoài tử cung và vô sinh…
3. Có chế độ ăn uống hợp lý:
Chế độ ăn uống hợp lý nhằm duy trì được trọng lượng cơ thể cân đối, khỏe mạnh. Trọng lượng cơ thể đóng vai trò quyết định khá lớn trong sức khỏe phụ khoa của người phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt cũng phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể bạn. Những phụ nữ quá gầy hoặc quá thừa cân có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như chậm kinh, chu kì kinh nguyệt “biến mất”, rong kinh, lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít…
Tất cả các vấn đề đó được gọi chung là rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt kéo dài làm ảnh hưởng đến sự cân bằng và điều tiết hormone, từ đó dễ dẫn đến các bệnh phụ khoa khác.
4. Chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý
Một điều quan trọng chị em cần nhớ là tuyệt đối không làm việc và thức quá khuya. Thức khuya không những ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh như cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… mà còn có thể gây rối loạn nội tiết tố, khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Một số bệnh phụ khoa mà chị em dễ gặp do thức khuya bao gồm: viêm nhiễm “vùng kín”, u xơ tử cung, kinh nguyệt không đều, u tuyến vú…
Thức khuya khiến cơ thể chúng ta luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng và miễn dịch. Đó chính là lý do tại sao các vi khuẩn có hại xâm nhập và sinh sôi phát triển trong cơ thể. Ở “vùng kín” cũng vậy, vi khuẩn có hại phát triển mạnh, tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và làm mất sự cân bằng trong môi trường âm đạo, dễ dẫn đến mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
5. Tập thể dục thường xuyên:
Các hình thức thể dục không những làm cho chị em khỏe mạnh mà còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh phụ khoa. Thể dục tác động đến hệ thần kinh trung ương, các động tác thể dục tác động lên cơ thể, tạo ra những phản xạ có điều kiện, làm thay đổi những hiện tượng sinh lý bất thường và bệnh lý trong sản phụ khoa.
Các động tác thể dục nên được kết hợp với thở sâu để tăng cường hoạt động tuần hoàn ở vùng khung chậu. Ngoài ra, nên tập những động tác cơ bản về hông và mông, nhất là những bài tập thể dục nhịp điệu, tập yoga để giảm đau vùng xương chậu và tăng cường sức khỏe của cơ quan sinh sản.
6. Chăm sóc cho âm hộ và âm đạo hàng ngày:
Cách tốt nhất để chăm sóc âm đạo và âm hộ hàng ngày là vệ sinh với nước sạch, đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi có quan hệ tình dục.
Nhiều chị em có thói quen dùng dung dịch vệ sinh để vệ sinh “vùng kín”, điều này sẽ không có hại nếu chị em biết sử dụng đúng. Tức là không nên lạm dụng loại dung dịch này, nên tránh dùng xà phòng có tính sát khuẩn cao và không thụt rửa sâu trong âm đạo. Môi trường âm đạo có cả vi khuẩn có lợi lẫn vi khuẩn có hại, nếu lạm dụng dung dịch hoặc xà phòng này có thể “tiêu diệt” vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại gia tăng và dễ mắc các bệnh phụ khoa.
Thu Hương (tổng hợp)