Phòng và trị bệnh

Bệnh viêm âm đạo và cách điều trị

Viêm âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ chiếm tỉ lệ 90% ở phụ nữ đang trong thời kỳ sinh hoạt tình dục cũng như trong độ tuổi sinh đẻ. Các biểu hiện của bệnh đó là: ra khí hư bất thường (màu đục, dính như bột, có mùi hôi,…), âm đạo bị kích ứng gây ngứa và đôi khi có cảm giác nóng rát, đau khi giao hợp, đau khi đi tiểu và nặng hơn có thể xuất huyết âm đạo nhẹ…Và có những cách nào để điều trị bệnh viêm âm đạo này? Viêm âm đạo – nguyên nhân và biến chứng Bệnh thường diễn tiến âm thầm với những triệu chứng dễ bị bỏ qua. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm âm đạo có thể gây viêm nhiễm ngược dòng  như viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm buồng trứng, viêm nhiễm vùng chậu, có khả năng dẫn đến tắc vòi trứng, dính buồng trứng, tử cung gây vô sinh. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính lâu ngày, tái đi tái lại nhiều lần có thể gây ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Bệnh không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Do đó, việc tìm nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời là hết sức cần thiết. Vậy nguyên nhân gây viêm âm đạo là gì? Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng roi Trichomonas, nấm Candida, tạp khuẩn và các tác nhân lây qua đường tình dục (STD) khác, bên cạnh đó việc vệ sinh vùng kín hàng ngày và trong chu kì kinh không đúng cách, thủ thuật không an toàn (dụng cụ tử cung, nạo hút thai…), việc sử dụng thuốc đặt phụ khoa hoặc kháng sinh lâu dài, sự suy giảm miễn dịch, mất cân bằng nội tiết (do sử dụng thuốc ngừa thai, corticoid,  bệnh lí tuyến giáp, thời kì mãn kinh, stress…), bệnh tiểu đường không kiểm soát được và thai kì là những yếu tố nguy cơ. Viêm lộ tuyến cản trở quá trình thụ thai, và có thể dẫn đến ung thư Mọi viêm nhiễm ở âm đạo, cổ tử cung, tử cung hay các phần khác của bộ phận sinh dục như ống dẫn trứng, buồng trứng (phần phụ) hay viêm tiểu khung đều làm giảm khả năng thụ thai và có thể làm vô  sinh do di chứng của viêm nhiễm làm tắc ống dẫn trứng hay viêm dính tử cung, do ra nhiều khí hư, vùng kín luôn ẩm ướt sẽ gây cản trở tinh trùng vào gặp trứng. Vì thế, nên điều trị khỏi lộ tuyến để dọn đường cho việc thụ thai. Khi viêm lộ tuyến được điều trị dứt điểm, chị em có thể có thai bình thường. Lộ tuyến là một tổn thương lành tính, nhưng trong quá trình chúng xâm lấn ra, các tế bào lát bên ngoài cổ tử cung sẽ phản ứng tăng sinh nhằm đẩy lùi sự xâm lấn, có khi làm xuất hiện những tổn thương bị nghi ngờ là có thể dẫn đến ung thư Nếu bị viêm nhiễm kéo dài, chị em cần điều trị tích cực, dứt điểm cho bệnh khỏi hoàn toàn, nếu không muốn tước đi thiên chức làm mẹ, hoặc trở thành nạn nhân của căn bệnh gây tử vong thuộc top đầu trong các bệnh của nữ giới! Viêm âm đạo – Bệnh khó điều trị dứt điểm Trên thực tế, viêm nhiễm âm đạo thường khó điều trị dứt điểm được, bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần. Tại sao bệnh lại dễ tái đi tái lại nhiều lần như vậy? Câu trả lời là PH âm đạo đã bị thay đổi và chưa được cân bằng trở lại. Môi trường âm đạo bình thường có khoảng 6 loại vi khuẩn khác nhau với đa số là vi khuẩn kị khí, trong đó đáng kể là nhóm Lactobacili. Trong quá trình chuyển hóa, nhóm vi khuẩn này sử dụng glycogen của lớp tế bào bề mặt âm đạo tạo thành acid lactic tạo môi trường acid cho âm đạo. Đồng thời chủng này còn tạo ra H 2 O 2 là một tác nhân diệt trùng và làm tăng độ acid của âm đạo. Đây là môi trường tốt nhất để bảo vệ âm đạo khỏi bị viêm nhiễm. Việc thay đổi vi trùng thường trú, đặc biệt là Lactobacili dẫn tới sự thay đổi PH âm đạo, việc mất cân bằng PH âm đạo là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhiễm và khiến bệnh khó điều trị dứt điểm. Việc suy giảm vi khuẩn có ích Lactobacili có thể do việc sử dụng thuốc đặt phụ khoa, dùng  kháng sinh kéo dài, sử dụng nước vệ sinh vùng kín không đúng cách,… tiêu diệt vi khuẩn có hại thì tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng pH âm đạo.

Bệnh mùa hè và thuốc trị

Thời tiết oi bức vào mùa hè cùng với độ ẩm cao và môi trường nhiều khói bụi đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh ngoài gia phát triển. Bệnh ngoài da ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có biểu hiển ngứa, lở loét trên da, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh Bệnh viêm da, viêm nang lông do vi khuẩn Thường gặp là các viêm da do tụ cầu, liên cầu như viêm nang lông, bệnh chốc, nhọt… Bệnh biểu hiện là các mụn mủ, kích thước vài milimet đến vài centimet, xung quanh có quầng da đỏ, đau nhức và có thể có biểu hiện toàn thân như sốt, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Điều trị với các trường hợp nhẹ thường chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như dung dịch màu sát khuẩn: castellani, milian, mỡ kháng sinh như fucidin, bactroban, fusidic acid… Trường hợp nặng có thể phải dùng kháng sinh đường uống. Các loại kháng sinh hay sử dụng là nhóm cephalosporin thế hệ I, II, oxacillin, cloxacillin… Bệnh tuyến mồ hôi Mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều dễ dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. Điều trị viêm tuyến mồ hôi có thể dùng hồ nước bôi ngày 2 – 3 lần, kem có chất kháng khuẩn và corticoid nhẹ như fucidin H bôi ngày 1 – 2 lần, tắm cho trẻ bằng các dung dịch tắm dành cho em bé như lactacid, cetaphil… mặc đồ mát, thoáng, dễ thấm mồ hôi bằng vải cotton giúp da khô thoáng. Nhiễm nấm ở da Da thường dễ bị nhiễm một số dạng nấm sợi, nhất là khi ra mồ hôi nhiều, mặc đồ ẩm ướt. Nhiễm nấm da thường gặp là bệnh lang ben, nấm kẽ chân, nấm bẹn. Bệnh lang ben thường gây ra bởi nấm loài malassezia furfur với tổn thương da là các đám da thay đổi màu sắc trắng, hồng, nâu… trên có vảy nhỏ mịn ở rải rác trên mặt, cổ, lưng, ngực, cánh tay… và ngứa nhiều khi ra mồ hôi. Nấm kẽ chân hay gặp khi trời mưa, chân tiếp xúc với nước nhiều, kẽ chân đỏ, trợt, chảy nước, rất ngứa. Nấm bẹn thường tổn thương là các đám đỏ da, sẩn, ngoài bờ có mụn nước nhỏ, xếp hình vòng cung, ngứa nhiều. Điều trị nấm sử dụng thuốc toàn thân và thuốc bôi tại chỗ. Thuốc chống nấm đường uống có các loại như: itraconazole, ketoconazole, fluconazol, griseofulvin… thuốc bôi có các loại như ketoconazol, terbinafine, miconazol… Viêm da dị ứng Về mùa hè thường gặp các tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng hoặc viêm da dị ứng do côn trùng đốt. Khi bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng, da thường bị đỏ lên, ngứa, sau đó có thể xuất hiện một số mụn nước, mụn mủ nhỏ tại vùng da tiếp xúc. Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường dùng các loại kem kết hợp corticoid và kháng sinh như fucidin H, flucicort. Khi bị côn trùng đốt, da sẽ đỏ, sưng phù và ngứa nhiều. Điều trị dùng thuốc kem, mỡ corticoid nhẹ và vừa như hydrocortisone, betamethasone. Ngoài các dạng viêm da ở trên, còn gặp viêm da dị ứng thực vật – ánh sáng, nguyên nhân do tiếp xúc với một số loài thực vật sau đó phơi nhiễm với ánh nắng tạo thành phản ứng da với biểu hiện đầu tiên có thể hơi đỏ, ngứa sau khi tiếp xúc với cây cỏ, sau đó da trở nên sẫm màu và sạm da. Điều trị ở giai đoạn đầu thường dùng thuốc làm dịu da, mát da và kem corticoid nhẹ, sau đó kết hợp kem chống nắng. Viêm da do virut Một số bệnh da có nguyên nhân do virut như: virut Varicella zoster gây bệnh thủy đậu, zona; virut Herpes gây bệnh herpes; Enterovirus 71 và Coxsackievirus A16 gây bệnh tay – chân – miệng. Tổn thương thủy đậu là các mụn nước đơn độc, lõm giữa, rải rác toàn thân. Bệnh zona thường biểu hiện là chùm mụn nước mọc trên nền da đỏ phân bố theo đường đi của các dây thần kinh ngoại biên, kèm theo đau nhức nhiều. Điều trị thủy đậu và zona thường dùng các dung dịch thuốc màu như castellani, milian bôi tổn thương mụn nước. Có thể sử dụng kem ức chế virut như acyclovir bôi trong giai đoạn sớm. Điều trị toàn thân các bệnh da do virut có thể dùng thuốc kháng virut như acyclovir, valacyclovir, famciclovir… sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau nếu người bệnh có sốt và đau nhức nhiều. Bệnh da do ánh nắng Một số bệnh da có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng. Các bệnh da nhạy cảm ánh sáng như bệnh Luput ban đỏ hệ thống, Luput ban đỏ bán cấp và Luput ban đỏ dạng đĩa đều nặng lên vào mùa hè. Bệnh porphirin da và pellagra cũng tổn thương nặng hơn về mùa nắng. Một số bệnh gây ra do phơi nhiễm nhiều với ánh sáng mặt trời như bệnh sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè và tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng da hở… Điều trị các bệnh này rất phức tạp nhưng nguyên tắc quan trọng là tránh nắng chủ động như đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, kính râm, mặc đồ dài, kín, hoặc tránh nắng bằng các loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên. Ngoài ra, tùy cơ chế từng bệnh mà dùng các loại thuốc toàn thân phù hợp. Nguồn: Tổng hợp

Người già nên uống thế nào để hạn chế cao huyết áp

Cao huyết áp cần được điều trị vì đó là một yếu tố có nguy cơ tới bệnh tim mạch (10% ở tuổi 20 – 30 và 30% ở người già 65 – 75 tuổi). Ngoài ra cao huyết áp còn mang lại 2 hệ quả: Giảm chất lượng cuộc sống và làm hư hại tới các chức năng của não (làm giảm khả năng nhận thức). Huyết áp tăng theo tuổi tác. Theo ước tính của y giới, có 20-50% các cụ già trên 60 tuổi bị huyết áp cao. Dĩ nhiên, cần có thuốc để điều trị trong nhiều trường hợp. Nhưng dưới một mức độ nào đó, chỉ cần một chế độ ăn thích hợp là đủ. Ngay khi dùng thuốc, chế độ ăn uống có vai trò hỗ trợ đáng kể. Điều trị cao huyết áp như thế nào? Thường phải dùng thuốc nhưng bao giờ cũng phải có biện pháp vệ sinh và dinh dưỡng như: chế độ ăn uống, tập thể dục, giảm cân, giảm tiêu thụ rượu, ngừng hút thuốc lá. Thuốc thường dùng liều thấp nhất và chỉ tăng liều dần dần khi cần thiết. Chỉ nên dùng một loại thuốc, cần mới dùng 2 loại. Thuốc được chỉ định tùy theo thể trạng bệnh nhân và các thuốc khác mà bệnh nhân đang điều trị bệnh khác vì bị nhiều bệnh một lúc. Ăn những gì? Y giới thường có 2 khuyến nghị chính về chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn không mặn lắm . Trước đây vài năm người ta quy định chế độ này rất chặt chẽ. Đến nay thống kê cho thấy hạn chế muối không có cùng 1 tác dụng từ người này tới người khác. Chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân nhạy cảm với muối. Tuy vậy, khuynh hướng chung là sự giảm nhẹ 1 cách điều độ. Chế độ này cho phép giảm nhẹ huyết áp và tăng hiệu lực của thuốc chống cao huyết áp. Tăng chất calci và sản phẩm về sữa. Thống kê cho thấy ở các nhóm cư dân khác nhau, sử dụng ít thức ăn có calci thường làm huyết áp cao hơn khi so sánh với các nhóm cư dân khác. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy: có thể giảm huyết áp đáng kể với chế độ ăn nhiều sữa và rau quả. Để kết luận vấn đề này, Bác sĩ Monique Ferry chủ nhiệm khoa lão và trung tâm bệnh viện Valence (Pháp) có nhấn mạnh 3 điểm: Huyết áp các cụ già nên điều chỉnh tới một điểm cân bằng, không nên dùng nhiều thuốc (đối với người già, dùng nhiều thuốc kháng huyết áp có thể làm sụt huyết áp quá nhiều). Nên thử nghiệm từng bệnh nhân xem huyết áp có giảm không sau 1 tuần ăn chế độ “ít muối” ở người già, sự tiêu thụ calci (phần lớn từ sản phẩm của sữa) thường thiếu. Chế độ ăn có khi tránh được dùng thuốc, có khi giúp ích cho điều trị. Rượu dùng ít (1-2 chén rượu vang 1 ngày) có thể có lợi cho huyết áp. Cần thận trọng khi khuyên người già giảm cân để tránh lệch lạc và đi vào chế độ suy dinh dưỡng. GS. NGUYỄN KHANG (Theo báo Thời sự dược học)

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi

Thoái hóa khớp hay còn gọi là viêm xương khớp là bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi, bệnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động ở khớp. Để tránh những tác hại của chứng bệnh này chúng ta cần quan tâm đến 3 vấn đề cơ bản sau đây: Thoái hóa khớp là gì, do đâu lại bị thoái khớp? Những khớp nào dễ bị thoái hóa và có biểu hiện gì? Những điểm gì cần lưu ý khi điều trị và phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp. 1. Thoái hóa khớp là gì? Để hiểu được thoái hóa khớp là gì ta cần biết khớp là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương trong cơ thể gồm có bao khớp bọc xung quanh, sụn mềm đệm giữa 2 đầu xương, dịch nhầy để khớp được trơn láng khi cử động. Thoái hóa khớp là hư hỏng xảy ra ở sụn khớp là chính, kèm theo là phản ứng đầu xương tại khớp và giảm thiểu dịch nhầy về số lượng và chất lượng. Thoái hóa khớp thường gặp ở các khớp cột sống cổ, cột sống thắt lưng, khớp vai, khớp bàn tay, khớp háng, khớp gối, khớp ở gót chân. Thoái hóa khớp thường gặp ở tuổi trên 40 nhất là tuổi sau 60. Nhưng quá trình thoái hóa khớp thực sự đã xảy ra trước đó từ những năm 20 tuổi. 2. Nguyên nhân bị thoái hóa? Người ta nhận thấy rằng hầu hết thoái hóa khớp ở người cao tuổi là nguyên phát nghĩa là không tìm thấy có một số yếu tố sau đây tham gia trong quá trình thoái hóa khớp: tuổi cao, tình trạng béo phì, tính di truyền, chấn thương nhẹ mãn tính ở khớp. Ngoài ra thoái hóa khớp cũng có thể là thứ phát nghĩa là do những nguyên nhân cụ thể như xảy ra sau viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng, chấn thương khớp nặng, đái tháo đường, suy tuyến giáp trạng… Thoái hóa khớp nguyên phát thường gặp ở người cao tuổi và trong trường hợp này tuổi tác giữ một vai trò quan trọng. Người ta cho rằng sụn trong quá trình lão hóa chống đỡ kém, dễ bị hư hỏng trong quá trình khớp cử động và béo phì với cân nặng dư thừa góp phần làm tăng thêm gánh nặng cho các khớp nhất là khớp háng, khớp gối. Trong quá trình sống các chấn thương nhẹ mãn tính tại khớp dễ xảy ra nếu ta không chú ý như khuân vác hay xách đồ nặng làm tăng gánh nặng cho khớp cột sống, khớp gối, khớp háng, khớp ở gót chân. Các chấn thương tại khớp mạnh hơn như đá bóng làm tổn thương khớp gối nặng là nguyên nhân thường gặp của thoái hóa khớp thứ phát. Ngược lại ở những người không vận động nhất là những trường hợp bệnh nặng liệt giường, bất động kéo dài thì quá trình thoái hóa khớp cũng xảy ra khá nhanh chóng. 3. Thoái hóa khớp có biểu hiện gì và khớp nào thường bị thoái hóa Để phát hiện sớm bệnh thoái hóa khớp bà con cần lưu ý triệu chứng của thoái hóa khớp là: Đau tại khớp bị thoái hóa. Cứng khớp vào buổi sáng. Cả 2 triệu chứng này đều có những đặc điểm khác với viêm khớp dạng thấp. Hiện tượng cứng khớp nghĩ là khớp cử động khó khăn vào buổi sáng là triệu chứng thường gặp kéo dài trong thời gian ngắn 5-15 phút, tối đa không quá 30 phút, khu trú ở vai khớp bị thoái hóa. Trong khi đó viêm khớp dạng thấp có thể kéo dài lâu hơn đến vài giờ, cứng khớp có ở nhiều khớp và đối xứng cả 2 bên. Đau do thoái hóa khớp có một số đặc điểm như: xuất hiện ở một vài khớp riêng lẻ bị thoái hóa như ở khớp gối, khớp háng, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, khớp ngón chân. Đau có thể 1 bên hoặc 2 bên khớp. Đau do thoái hóa khớp không đi kèm theo sưng nóng đỏ tại khớp, khác với đau do viêm khớp dạng thấp thường kèm theo sưng to hay nóng đỏ tại khớp. Đau khớp về buổi sáng: Trong trường hợp thoái hóa khớp ở cột sống thắt lưng giai đoạn đầu người bệnh thấy đau lưng nhiều về buổi sáng khi mới ngủ dậy kéo dài không quá 30 phút thì giảm đau, sau đó không đau cả ngày dù vẫn làm việc bình thường. Sau một thời gian tiến triển bệnh nặng hơn, đau lưng kéo dài cả ngày, tăng khi làm việc nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Trong trường hợp thoái hóa khớp gót chân bệnh nhân có cảm giác đau thốn ở gót vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy bước xuống giường đi những bước đầu tiên. Khi đi được vài chục mét thì thấy giảm đau nhiều và đi đứng bình thường. Sáng hôm sau tình trạng đau lại tái diễn càng ngày càng nặng hơn. Thoái hóa ở khớp háng ngoài triệu chứng đau có thể kèm theo tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, đau khớp gối nhiều khi đi lại vận động, đau nhất là khi ngồi xổm đứng dậy rất khó khăn nhiều khi phải níu vào vật gì khác để đứng dậy. Nặng hơn là tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối. Thoái hóa khớp gối làm người bệnh đi lại khó khăn ngay từ ngày đầu do triệu chứng đau vì khớp háng chịu đựng trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở cột sống thứ 4, 5, 6 biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi phía sau gáy lan đến cánh tay bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng. Thoái hóa cột sống thắt lưng hay gặp từ đốt sống thắt lưng thứ 3 trở xuống. Khi có ảnh hưởng thần kinh tọa người bệnh có cảm giác đau lan từ lưng xuống chân đôi khi rất mạnh như 1 luồng điện chạy từ trên xuống khi có một cử động không đúng hướng. Cảm giác thường xuyên mỏi ở khớp làm cho người bệnh thích bẻ khớp, hay giật mạnh khớp để tạo tiếng kêu răng rắc, những động tác này có thể gây hại cho khớp. Ngoài các triệu chứng lâm sàng nêu trên thì chụp X quang khớp phần nào giúp xác định chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh. Trên phim X quang ta có thể thấy: Hẹp khe khớp do biến đổi của sụn khớp. Hình ảnh gai xương thường mọc ở bên bờ khớp có thể là nhiều gai. Gai xương thường gặp ở cột sống, ít gặp hơn ở các khớp khác như khớp gối, khớp gót chân. Cũng có nhiều trường hợp thoái khớp trong giai đoạn sớm hình ảnh X quang khớp còn bình thường. Nhưng bà con không biết nên chủ quan không điều trị vì đây là giai đoạn điều trị và phòng ngừa cho kết quả tốt. Ngoài chụp X quang khớp thì xét nghiệm máu không phát hiện gì bất thường. BS. PHAN HỮU PHƯỚC Thạc sĩ Lão khoa – Bệnh viện Nguyễn Trãi

Hướng dẫn phòng ngừa tăng huyết áp

Trênthế giới, mỗi năm có 17.000.000 người chết vì các biến chứng của tăng huyết áp như nhồi máu cơ tim , suy tim, đột quỵ… Ở Việt Nam, trung bình cứ 100 người trên 25 tuổi lại có 27 người bị tăng huyết áp. Ước tính cả nước có khoảng gần 10 triệu người bị tăng huyết áp, con số này đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Những ai có nguy cơ bị tăng huyết áp? Người hay ăn mặn Người béo phì, quá cân Người uống nhiều rượu, bia Người hút thuốc lá, thuốc lào. Người ít vận động Người bị nhiều stress. Tiền sử gia đình có  người bị tăng huyết áp Người cao tuổi Tăng huyết áp thường gây nên nhiều biến chứng rất nguy hiểm ở tim, mắt, não, thận. Người bệnh dễ bị tàn phế, và trở thành gánh nặng về kinh tế và xã hội. Hãy thực hiện lối sống lành mạnh để dự phòng tăng huyết áp.

Bài viết nổi bật

Loading...