Lý giải nguyên nhân gây sôi bụng đi ngoài ra nước – Cách khắc phục

Sôi bụng là hiện tượng bình thường dễ gặp khi đói hoặc hệ tiêu hoá rối loạn. Tuy nhiên, sôi bụng đi ngoài ra nước có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hoá gặp trục trặc hay một số bệnh lý nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết.

Nguyên nhân gây sôi bụng đi ngoài ra nước

Thông thường, sôi bụng đi ngoài ra nước trong thời gian ngắn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu sôi bụng đi ngoài kéo theo một số dấu hiệu thì nó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hoặc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Cụ thể như sau:

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sôi bụng đi ngoài ra nước. Nguyên nhân bởi vi khuẩn, virus, kí sinh trùng xâm nhập, tấn công vào cơ thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Đặc biệt là Rotavirus – đây là loại virus thường gây tiêu chảy do lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt gây mất cân bằng đường ruột gây hiện tượng sôi bụng đi ngoài ra nước.

Sử dụng thực phẩm không an toàn

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng quá nhiều chất bảo quản, thức ăn ôi, thiu có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm gây sôi bụng, đi ngoài ra nước.

Tác dụng phụ của thuốc

Lạm dụng thuốc hay sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài dễ gây tác dụng phụ ảnh hưởng không tốt tới đường ruột, gây rối loạn tiêu hoá dẫn tới tình trạng triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Không dung nạp lactose

Lactose là một loại đường được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa như: bơ, phomai, phomat, kem sữa… Thông thường, trong cơ thể con người có sẵn enzym lactase giúp tiêu hóa đường lactose. Vì lý do nào đó, cơ thể thiếu hụt enzym lactase sẽ khiến đường lactose sẽ không được hấp thu gây sôi bụng, đi ngoài ra nước, đầy hơi, khó tiêu.

Đại tràng co thắt

Bệnh đại tràng co thắt hay còn được gọi là đại tràng chức năng, hội chứng ruột kích thích. Đây là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hoá mạn tính nhưng không gây bất cứ tổn thương nào tại ruột.

Có một số yếu tố được cho là có liên quan đến sự hình thành và bùng phát của bệnh là: thói quen ăn uống thất thường, sử dụng thực phẩm lạ, có sự xâm nhập của vi sinh vật…

Đại tràng co thắt được đặc trưng bằng một số triệu chứng như:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, đau quặn bụng bên phải, cơn đau dọc theo khung đại tràng.
  • Đi ngoài tiêu chảy, đi ngoài ra nước hoặc táo bón, đôi khi tiêu chảy và táo bón xen kẽ.
  • Phân có nhầy, mủ, hôi thối khó chịu.
  • Sôi bụng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, sờ lên bụng có thể thấy u cục cứng.
  • Chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Bệnh đại tràng co thắt tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn, dễ tái phát. Để khám và điều trị, bác sĩ thường dựa vào các mô tả của bệnh nhân về triệu chứng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh hơn để phòng ngừa bệnh bùng phát trở lại.

Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị tổn thương, viêm nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do: chế độ ăn uống không khoa học, nhiễm khuẩn, ký sinh trong trong ruột, loạn khuẩn ruột… Đau bung, sôi bụng đi ngoài ra nước một trong những triệu chứng của viêm đại tràng. Bên cạnh đó bệnh còn gây ra triệu chứng:

  • Đau bụng dọc theo khung đại tràng, đau âm ỉ từng cơn, đau nhiều khi ăn thực phẩm lạ, không đảm bảo vệ sinh, sau khi đi đại tiện giảm đau bụng.
  • Đi ngoài tiêu chảy, phân có khi cứng, có khi lỏng nát, sống phân, phân không thành khuôn.
  • Đi mót, vừa đi xong lại muốn đi tiếp.
  • Đi ngoài ra máu và mủ nhầy.
  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Chán ăn, sụt cân nhanh, người mệt mỏi, suy nhược.

Viêm đại tràng được đánh giá là bệnh lý khá nguy hiểm. Với trường hợp viêm đại tràng cấp, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời rất dễ tiến triển thành viêm đại tràng mãn tính rất khó chữa khỏi hoàn toàn. Do vậy, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đi khám sớm để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: chảy máu đại tràng, thủng địa tràng, ung thư đại tràng…

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn còn được gọi là bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng. Bệnh không chỉ xảy ra ở ruột non, ruột già mà bất cứ vị trí nào trong đường tiêu hóa cũng và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như:

  • Tiêu chảy dài ngày, đi ngoài ra nước, phân có lẫn máu.
  • Đau bụng sau khi ăn, đau quặn từng cơn.
  • Sôi bụng, khó tiêu.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau rát hậu môn, rò hậu môn
  • Sốt, chán ăn, giảm cân.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh Crohn khỏi hoàn toàn. Hầu hết các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm triệu chứng viêm và ngăn ngừa biến chứng do bệnh Crohn gây ra. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý chế độ ăn uống hợp lý để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh Crohn.

Viêm túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi nhỏ phình ra ở thành đại tràng. Viêm túi thừa là tình trạng khi có một hoặc nhiều túi thừa bị viêm nhiễm, các mô xung quanh túi thừa bị sưng phù nề. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành túi thừa và gây viêm như: chế độ ăn uống ít chất xơ, lớn tuổi, ít vận động, sử dụng thuốc điều trị…

Khi túi thừa ở đại tràng bị viêm, bạn thường gặp những triệu chứng sau:

  • Đau âm ỉ, đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái, ban đầu đau bụng nhẹ, những ngày sau cơn đau tăng mạnh hơn.
  • Sôi bụng, đầy bụng, chướng hơi
  • Rối loạn đại tiện, táo bón hoặc đi ngoài ra nước, phân lỏng nát.
  • Sốt.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau rát khi đi tiểu.

Viêm túi thừa là bệnh hoàn toàn có thể điều trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu bệnh phát hiện muộn và không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh như: áp xe đại tràng, tắc ruột… Vì vậy, bạn cần có kế hoạch phòng ngừa và khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị, tránh những rủi ro đáng tiếc.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Sôi bụng đi ngoài ra nước kéo dài dễ khiến bạn rơi vào tình trạng mất nước gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi gặp tình trạng này, bạn cần theo dõi sát sao, nếu sôi bụng đi ngoài ra nước kèm theo bất cứ triệu chứng nào dưới đây thì nên đi khám để được điều trị ngay lập tức:

  • Đi ngoài ra nước kéo dài trên 3 ngày mà không có dấu hiệu giảm.
  • Đi ngoài ra nước lẫn máu, chất nhầy, phân màu đen.
  • Đau bụng dữ dội, đau quặn thắt.
  • Nôn, buồn nôn
  • Môi khô, không uống được nước, mệt mỏi, suy nhược, mất nước.
  • Sốt cao trên 38 độ.

Khắc phục sôi bụng đi ngoài ra nước bằng cách nào?

Như chia sẻ ở trên, sôi bụng đi ngoài ra nước có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiêu hóa.Vì vậy, bạn nên đi khám để biết rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị cụ thể. Ngoài ra, sôi bụng đi ngoài ra nước kéo dài sẽ khiến cơ thể mất nước trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Bạn cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này bằng một số biện pháp dưới đây:

Bổ sung nước và điện giải

Khi bị sôi bụng đi ngoài ra nước, việc đầu tiên cần làm là bổ sung nước và điện giải để bù lại lượng nước đã mất sau mỗi lần đi ngoài. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, bạn nên sử dụng oresol theo liều lượng khác nhau. Bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Với trường hợp trẻ bị sôi bụng đi ngoài ra nước, phụ huynh nên tham khảo tư vấn bác sĩ trước khi dùng.

Bên cạnh uống nhiều nước và sử dụng oresol, bạn cũng nên bổ sung thêm các loại nước rau củ, trái cây tươi như táo, ổi… để bổ sung vitamin, khoáng chất rất tốt cho người đang bị đi ngoài.

Dùng thuốc

Ngoài bổ sung nước và điện giải thì sử dụng thuốc tây giúp cải thiện nhanh tình trạng đi ngoài ra nước hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, tùy theo nguyên nhân, tình trạng nặng hay nhẹ mà bác sĩ có thể kê các loại thuốc cho phù hợp như sau:

  • Thuốc uống Loperamid, Diphenoxylate: Chống tiêu chảy tái hấp thu nước giúp phân đặc hơn, giảm nhu động ruột, giảm sôi bụng.
  • Thuốc Racecadotril: Dùng để điều trị tiêu chảy cấp, loại thuốc này có tác dụng giảm tiết dịch ruột, giảm đi ngoài ra nước nhiều lần trong ngày.
  • Thuốc Berberin: ức chế quá trình tiết dịch ruột và các chất điện giải, ức chế co thắt cơ trơn, giảm viêm… từ đó làm giảm sôi bụng, đau bụng, tiêu chảy
  • Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn: Erythromycin, Ciprofloxacin, Metronidazole… dùng cho trường hợp đi ngoài ra nước do sự xâm nhập và gây hại của vi khuẩn.
Khi sử dụng những loại thuốc chữa sôi bụng đi ngoài ra nước, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng. Không tự ý mua thuốc về điều trị, tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, không dùng thuốc loại dung dịch cho trẻ dưới 2 tuổi, loại viên cho trẻ dưới 8 tuổi và không sử dụng cho người suy gan và phụ nữ mang thai.

Dùng phương pháp dân gian

Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây có thể gây tác dụng phụ thì bạn có thể tham khảo phương pháp dân gian giúp giảm sôi bụng, đi ngoài ra nước dễ áp dụng và mang lại hiệu quả như:

1. Ngọn lá ổi

Theo y học hiện đại nghiên cứu và chứng minh, trong lá ổi non có chứa hàm lượng tannin khá cao giúp se niêm mạc ruột, giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, ngăn ngừa tình trạng sôi bụng, đi ngoài ra nước. Ngoài ra, ngọn lá ổi còn chứa các kháng sinh thực vật có khả năng tiêu diệt những vi khuẩn có hại trong đường ruột, từ đó giảm sôi bụng, đi ngoài.

Để sử dụng lá ổi bạn chỉ chuẩn bị 50g ngọn lá ổi non rửa sạch, ngâm qua một lượt nước muối loãng và sắc cùng 2 bát nước khoảng 15 – 20 phút rồi chắt lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày.

2. Hồng xiêm xanh

Theo Đông y, hồng xiêm có vị chát, tính ôn giúp ngăn ngừa sôi bụng đi ngoài. Ngoài ra, y học hiện đại nghiên cứu và chỉ ra trong hồng xiêm xanh có chứa hoạt chất tannin nên có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày.

Bạn có sử dụng hồng xiêm xanh bằng cách: Rửa sạch hồng xiêm, thái thành những lát mỏng, ngâm với nước muối loãng và phơi khô, sao vàng. Mỗi lần dùng lấy 10 lát hồng xiêm sắc cùng 2 bát nước và chia làm 2 lần uống trong ngày.

Lưu ý: Dùng hồng xiêm theo cách trên đến khi triệu chứng được kiểm soát thì dừng lại, tránh lạm dụng quá mức có thể gây táo bón.

3. Gừng tươi

Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm giúp chống nôn, giảm sôi bụng, đi ngoài ra nước, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa và hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ thể tốt hơn.

Để dùng gừng, bạn lấy 1 củ gừng, rửa sạch, đập dập và hãm như hãm trà uống hằng ngày.

4. Massage bụng

Massage bụng là phương pháp giúp lưu thông máu, kích thích nhu động ruột, giảm đau bụng, sôi bụng, đi ngoài ra nước. Phương pháp massage bụng rất đơn giản, bạn chỉ cần xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ 5 – 10 phút, có thể dùng dầu ấm để tăng tính hiệu quả.

5. Chườm ấm

Phương pháp chườm ấm giúp lưu thông máu, giảm co thắt bụng, giảm sôi bụng, đi ngoài ra nước và giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Bạn có thể chườm bụng bằng khăn ấm, muối rang hay dùng túi chườm khoảng 20 phút sẽ thấy hiệu quả đáng kể.

Thói quen ăn uống sinh hoạt

Sôi bụng, đi ngoài ra nước kéo dài sẽ khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị sôi bụng đi ngoài ra nước bạn nên chú ý:

Nên:

  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giúp tránh mất nước và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
  • Ăn những món thanh đạm, dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa như: canh, súp, cháo…
  • Tăng cường ăn những thực phẩm giàu tinh bột giúp hạn chế tình trạng sôi bụng và đi ngoài như: khoai tây, ngũ cốc…
  • Bổ sung những thực phẩm giàu protein hỗ trợ phục hồi sức khỏe như: thịt gà, trứng…
  • Ăn các loại rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh để bụng quá đói hay quá no.
  • Nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để tránh mất sức, mệt mỏi.

Không nên:

  • Không ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị cay, nóng hay các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá… gây khó tiêu và tổn thương cho đường tiêu hóa.
  • Tránh ăn những đồ ăn để lâu trong tủ lạnh, thực phẩm lạnh, tái sống không đảm bảo vệ sinh.
  • Hạn chế ăn những thức ăn lạ dễ gây dị ứng tăng nguy cơ sôi bụng, đi ngoài ra nước.

Tham khảo: Một số cách chữa sôi bụng tiêu chảy bạn nên biết

Sôi bụng đi ngoài ra nước không chỉ gây mệt mỏi mà nó có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý nguy hiểm. Hy vọng với những thông tin hữu ích chia sẻ trên giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân cũng như cách khắc phục hiện tượng này hiệu quả. Ngoài ra, khi triệu chứng này kèm theo một số dấu hiệu khác thường, bạn nên đi khám để có thể xác định rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị cụ thể, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Hotline Hướng dẫn mua hàng

Sản phẩm liên quan

Prev