Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một trong những bệnh hay gặp nhất trong các bệnh lý thuộc đại trực tràng và hậu môn. Đây là một rối loạn tiêu hóa có tính chất tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các dấu hiệu tổn thương thực thể trên đại tràng. Điều trị HCRKT hiện nay chủ yếu tập trung vào giải quyết các triệu chứng, hạn chế ảnh hưởng của bệnh tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Đa số các bệnh nhân HCRKT do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiểu biết về bệnh không được thấu đáo, điều này một phần làm cho bệnh có xu hướng diễn biến dai dẳng, thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Đầu tiên là việc hiểu chưa đúng về bệnh. Đa số các bệnh nhân thường lầm tưởng HCRKT chính là bệnh viêm đại tràng (VĐT – một nhóm bệnh lý thực tổn hay gặp). Bên cạnh đó, một số cơ sở khám chữa bệnh do năng lực có hạn nên việc chẩn đoán nhầm HCRKT là VĐT cũng hay xảy ra. Bệnh nhân hay sử dụng (hoặc được kê đơn) kháng sinh, kháng khuẩn đề điều trị. Mặt khác, do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện của nhiều bệnh nhân vô hình chung làm mất đi các vi khuẩn có lợi trên đường ruột. Điều này làm cho đại tràng suy yếu, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus…), các triệu chứng của bệnh dễ xuất hiện và kéo dài. Vậy HCRKT và VĐT khác nhau thế nào? Sử dụng kháng sinh trong trường hợp này có hợp lý hay không? Khác với VĐT, bệnh nhân HCRKT hoàn toàn không có tổn thương trên niêm mạc đại tràng. Đây là bệnh lý chức năng, tức là rối loạn chức năng chứ không hề bị viêm loét. Vì vậy, kháng sinh là không thực sự cần thiết trừ khi có nhiễm khuẩn ruột. Do đó, bệnh nhân HCRKT cần chú ý điều này để tránh việc lạm dụng kháng sinh, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh và làm cho bệnh HCRKT ngày càng nặng hơn. Thứ hai, HCRKT chịu sự ảnh hưởng lớn của yếu tố thần kinh (trục não- ruột). Đây được cho là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ruột. Lo lắng, căng thẳng thần kinh kéo dài hoặc các sang chấn tinh thần làm cho việc điều chỉnh này bị rối loạn. Mặt khác, bệnh diễn biến lâu dài làm cho bệnh nhân luôn lo lắng, sợ bệnh hiểm nghèo (như ung thư đại trực tràng). Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn, bệnh nhân càng lo lắng, căng thẳng càng làm bệnh bất ổn, và ngược lại, bệnh xuất hiện thường xuyên càng làm bệnh nhân mệt mỏi, lo lắng nhiều hơn. Chúng ta biết rằng HCRKT là bệnh thuộc về chức năng đại tràng, như vậy sẽ không thể dẫn tới ung thư đại tràng. Người bệnh cần tránh các lo lắng không cần thiết này. Đồng thời, hạn chế các căng thẳng khác trong cuộc sống để tránh các xung động kích thích tới ruột vì đây là yếu tố thúc đẩy các triệu chứng bệnh HCRKT dễ tái phát. Những người bị HCRKT lâu năm có rối loạn tâm lý, mất ngủ thường xuyên cần dùng các thuốc an thần kinh để giảm thiểu căng thẳng. Dùng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược đang là xu hướng trong điều trị hiện nay. Thứ ba, chế độ ăn uống rất quan trọng với bệnh nhân HCRKT. Ăn uống không hợp lý sẽ làm xuất hiện trở lại các triệu chứng bệnh. Bệnh nhân cần ăn uống hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế các rối loạn tiêu hóa. Thông thường, cũng như các bệnh nhân bị VĐT, bệnh nhân HCRKT hay kiêng khem nhiều loại thức ăn, nhưng kiêng khem không hợp lý (như: kiêng quá mức gây thiếu dinh dưỡng, ăn thực phẩm không phù hợp bị đi ngoài… ), điều này càng làm cho bệnh dễ bất ổn. Vậy thế nào là chế độ ăn uống hợp lý? – Kiêng các loại chất kích thích: rượu, cà phê, thuốc lá vì đây là những chất kích thích, ảnh hưởng đến sự vận động, bài tiết của ruột.– Hạn chế một số nhóm thực phẩm sau: Nhóm thực phẩm không đảm bảo vệ sinh như: thực phẩm tanh, sống, tái (như rau sống, mắm tôm, gỏi…), đồ ăn chế biến qua ngày, bảo quản không tốt… Nhóm thực phẩm sinh hơi gây đầy trướng bụng: thực phẩm ngọt nhiều (bánh kẹo ngọt, chè ngọt, hoa quả ngọt như Xoài, Mít, Nhãn, Vải…), các loại rau cải, bắp cải, khoai, sắn. Nhóm gia vị chua, cay nóng như: ớt, hồ tiêu, quả chua như Cam, Chanh … Bệnh nhân nên ăn các loại quả: Thanh Long, Chuối… Một số thực phẩm nên dùng: thực phẩm giàu vitamin nhóm B, ma nhê, can xi… như: Đậu nành, lạc, vừng, đậu hũ, gạo nứt, thịt gà, thịt nạc, trứng, cá đồng… Các loại rau như: mướp, mùng tơi, rau đay, muống, ngót… Không nên ăn no trong một bữa. Thay vì ăn ba bữa chính nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Thứ tư, vận động là cần thiết với bệnh nhân HCRKT. Duy trì thường xuyên, đều đặn thói quen này giúp cho hoạt động của ruột ổn định hơn. Buổi sáng dậy khi bụng còn rỗng, nên xoa bụng vòng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ từ 15- 20 phút để tạo thói quen đại tiện mỗi ngày. Duy trì các môn thể dục thể thao yêu thích, phù hợp với sức khỏe như: yoga, đi bộ… Thứ năm, chưa có phác đồ Tây y nào là tối ưu cho HCRKT. Các bác sỹ ngày nay thường kết hợp các thuốc trị triệu chứng đường tiêu hóa với các thuốc an thần nhẹ giúp giảm các kích thích thần kinh. Vì thế, sử dụng thảo dược đang là một hướng điều trị chiếm ưu thế trong điều trị ổn định và lâu dài HCRKT. Theo: trangphuclinh.vn
Độc quyền
Dùng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích thế nào cho đúng ?
HCRKT là bệnh rối loạn chức năng , chủ yếu gặp ở đại tràng. Nguyên nhân gây bệnh hiện nay chưa rõ, trong đó hoạt động của ruột liên quan nhiều đến mối quan hệ tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh đường ruột. HCRKT thường gây ra các biểu hiện chính: đau bụng, đi ngoài lỏng nát hoặc rắn (hoặc hỗn hợp cả rắn, lỏng), đầy hơi, bụng trướng. Ngoài ra người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng ngoài tiêu hóa như: đau đầu, trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, khó thở, mất ngủ, lo lắng … Điều trị IBS hiện nay chủ yếu tập trung vào các nhóm thuốc sau: Thuốc giảm đau, giảm co thắt. Thuốc chống táo bón. Thuốc chống tiêu chảy. Thuốc chống sinh hơi. Thuốc an thần. Tất cả các thuốc trên đều là thuốc điều trị triệu chứng nên chỉ có tác dụng giải quyết tạm thời. Hiện tại chưa có thuốc nào có thể chữa khỏi được hoàn toàn bệnh. Do đó, bệnh nhân có xu hướng phải sử dụng các thuốc trên lâu dài, tăng nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc. Chỉ nên sử dụng chúng khi thật cần thiết. 1.Thuốc giảm đau gồm các nhóm: thuốc kháng cholinergic ( atropin, scopolamine), thuốc chống co thắt hướng cơ trơn (alverine, mebeverine, trimebutine), thuốc ức chế kênh canxi, thuốc chống trầm cảm (amitriptyline). Các thuốc này điều trị trướng bụng và giảm đau tốt nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón ở người HCRKT thể táo, các tác dụng không mong muốn khác nếu dùng kéo dài. 2.Thuốc chống táo bón: gồm các nhóm: Nhóm nhuận tràng thẩm thấu như: Forlax, sorbitol…có tác dụng hút nước vào lòng ruột làm phân mềm ra, dễ đi ngoài hơn.Thuốc có thể gây đi lỏng khi quá liều, kéo dài. Do đó khi thấy đi ngoài phân mềm thì bệnh nhân nên ngừng sử dụng. Nhóm nhuận tràng tăng co thắt như: bisacodyl, picosulfgate. Sử dụng nhóm thuốc chống táo có thể làm tăng nặng triệu chứng đau, trướng bụng. Bệnh nhân nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ, uống đủ 1.5- 2 lít nước, tăng cường vận động là biện pháp quan trọng để phòng tránh táo bón. 3.Thuốc chống tiêu chảy gồm các nhóm: Nhóm hút chất lỏng tạo khối phân: diosmectite, attapulgite, bismuth … có hiệu quả che chở niêm mạc ruột, hấp phụ các độc tố nhưng cũng không làm giảm đau bụng khi dùng đơn độc. Nhóm giảm nhu động ruột: loperamide, diphenoxylate… các thuốc này làm giảm chuyển vận của ruột nhưng không làm giảm đau bụng, khi dùng quá liều, kéo dài lại gây táo bón. Nhóm vi sinh : Lactobacillus acidophilus, Saccharomyces boulardii… khắc phục tình trạng loạn khuẩn, giúp giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Không nên sử dụng các loại kháng sinh kháng khuẩn vì không cần thiết và gây nguy cơ kháng thuốc, loạn khuẩn. 4.Các thuốc chống sinh hơi giúp giảm trướng bụng, sử dụng khi bị đầy hơi, trướng bụng( ví dụ than hoạt). Thuốc ít gây tác dụng phụ nhưng không làm mất trướng bụng khi dùng đơn độc. Bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại thực phẩm sinh hơi gây đầy hơi như: rau cải, bắp cải, khoai, sắn… 5.Thuốc an thần: sử dụng khi bị lo lắng, mất ngủ kéo dài. Nên ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược (như rotunda chiết xuất từ rễ củ cây Bình Vôi). Tuy nhiên, với bệnh nhân IBS lâu năm, mức độ nặng, mất ngủ kéo dài kèm theo dấu hiệu rối loạn tâm lý cần sử dụng các thuốc an thần, gây ngủ mạnh (seduxen) thì nguy cơ có thể gặp phải là tình trạng lệ thuộc vào thuốc (phải sử dụng thuốc lâu dài), kéo theo đó là các tác dụng không mong muốn khác. Trong trường hợp này bệnh nhân nên gặp bác sỹ để được thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng cẩn thận . Tóm lại, bệnh nhân IBS cần sử dụng các thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tránh sử dụng tùy tiện nhằm hạn chế nguy cơ gặp phải khi sử dụng thuốc.
Những lưu ý trong ăn uống với bệnh viêm đại tràng mạn
Người bị bệnh viêm đại tràng mãn cần đặc biệt lưu ý trong việc ăn uống. Dưới đây là những lưu ý trong việc ăn uống với bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính 1. Đặc điểm của bệnh viêm đại tràng mạn tính Viêm đại tràng mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng vi sinh vật và ký sinh vật đóng vai trò đáng kể. Triệu chứng có khi chỉ nhẹ, thoáng qua, nhưng có khi nặng. Biểu hiện nhẹ của bệnh là những cơn đau bụng vùng hố chậu (hố chậu trái hoặc hố chậu phải, có khi đau cả hai), đau âm ỉ hoặc quặn từng cơn. Thường có đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài khi lỏng khi sền sệt, có khi lại táo bón phân từng cục như phân dê, đi ngoài phải rặn nhiều dễ gây nên bệnh trĩ. 2. Những lưu ý trong ăn uống với người viêm đại tràng mạn Thức ăn đối với người bị viêm đại tràng mạn tính rất nhạy cảm. Hầu hết người bị viêm đại tràng khi ăn “thức ăn lạ” là bị đau bụng, đi lỏng ngay sau khi ăn không bao lâu. Vì thế, khi bị viêm đại tràng mạn tính bệnh nhân cần xác định nguyên nhân của viêm đại tràng mạn tính thì việc điều trị mới đưa lại kết quả tốt. Việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không phải là thuốc điều trị, nhưng nó có vai trò thúc đẩy quá trình lành bệnh và giảm các triệu chứng. Những khi bệnh nhân bị rối loạn kích thích gây đi lỏng, phân nát, đi ngoài nhiều lần trong ngày thì không nên ăn rau, hoặc các loại có chất xơ; không ăn ớt, hạt tiêu, chất gia vị; không ăn các thức ăn chua; khi ăn trái cây thì cần gọt vỏ; không ăn chuối, nhất là chuối tiêu; không ăn các loại quả đóng hộp; không uống cà phê, kẹo sô-cô-la sẽ gây kích thích đại tràng. Bệnh nhân viêm đại tràng mạn nên ăn cháo đặc, súp, ăn làm nhiều lần, không nên ăn một lúc no quá. Ngược lại thì những khi bị táo bón thì bệnh nhân nên ăn những thức ăn có nhiều rau xanh như canh lá mồng tơi, rau lang, củ khoai lang. Ăn cơm nhai kỹ, vẫn phải tránh ăn chua, cay, các loại gia vị; không uống rượu, bia. Cũng rất nên tránh ăn thức ăn có nhiều lượng dầu, mỡ như món xào, chiên. Bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính cần tránh dùng các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm steroid vì chúng làm ảnh hưởng đến niêm mạc đại tràng trong lúc niêm mạc đang bị bệnh. Ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, ăn uống hợp lý thì tập thể dục đều đặn như tập dưỡng sinh, xoa bụng, đi bộ… cũng đóng góp đáng kể vào việc chữa trị bệnh VĐTMT có hiệu quả.
Nhân sâm là độc dược bệnh viêm đại tràng
Theo đông y, nhân sâm là vị thuốc quý có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, tăng trí… Nhưng không phải trường hợp nào chúng cũng là thuốc bổ. Đặc biệt với bệnh nhân viêm đại tràng, nhân sâm là vị thuốc kiêng dùng. Nhân sâm là vị thuốc quý (Ảnh minh họa) Nhâm sâm là vị thuốc dùng trong các trường hợp chân khí kém, gây ra trạng thái mệt mỏi của cơ thể hoặc những trường hợp kém ăn, da xanh xao, trí nhớ suy giảm ở người mới ốm dậy. Không nên dùng sâm cho trẻ em vì sâm có tác dụng “kích dục” sớm. Dùng đối với trẻ phát triển kém, cơ thể yếu ớt, còi cọc, xanh gầy. Liều dùng: Trẻ em: (2 – 4g/ngày) và thời gian ngắn (7 – 10 ngày). Người lớn: dùng 4 – 10g/ngày, dưới dạng hãm với nước sôi, uống nhiều lần trong ngày. Uống liền 2 – 3 tuần lễ. Hoặc dưới dạng ngâm rượu, có thể ngâm sâm tươi (toàn rễ). Tuy vậy nhân sâm không phải dùng cho mọi đối tượng được. Người bị viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, bụng thường xuyên bị căng tức, đầy trướng, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy…không được dùng.Nếu dùng có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.Vì nhân sâm có tính bổ khí, tăng huyết áp làm cho khí càng lên khiến cơn đau đại tràng không giảm bớt được. Lưu ý: Dùng nhân sâm nên theo hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.
Hội chứng đại tràng kích thích
Căn bệnh này còn có tên là viêm đại tràng mạn tính , viêm đại tràng co thắt , xuất hiện ở 20% số người trưởng thành. Tuy bệnh có một số dấu hiệu dễ nhận biết nhưng việc chẩn đoán xác định không hề đơn giản, vì bác sĩ phải loại trừ được rất nhiều bệnh khác có biểu hiện tương tự. Hội chứng đại tràng kích thích gặp nhiều ở nữ giới, thường bắt đầu từ khi còn trẻ và giảm dần khi lớn tuổi. Bệnh kéo dài làm người mắc trở nên gầy yếu do phải kiêng khem nhiều, tinh thần lo lắng, giảm chất lượng cuộc sống. Hiện khoa học chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng bệnh đại tràng kích thích Đau bụng : Thường đau quanh rốn hoặc bụng dưới với mức độ thay đổi, từ âm ỉ tới dữ dội (có thể lầm với cơn đau quặn thận). Cơn đau thường xảy ra sau bữa ăn, nhất là sau khi ăn một số thực phẩm khó tiêu hay quá cay, chua. Tình trạng đau bụng nặng lên khi bệnh nhân gặp chuyện buồn hoặc căng thẳng tâm lý. Đau sẽ giảm đi sau khi đại tiện. Một số bệnh nhân không đau bụng mà chỉ có cảm giác khó chịu, không thoải mái ở bụng dưới. Rối loạn đại tiện : Trước hết là thay đổi về hình thái phân (lỏng hoặc khô) và số lần đại tiện (nhiều lần trong ngày hoặc chỉ 1-2 lần/tuần, có thể xen kẽ 2 tình trạng trên). Phân có thể kèm chất nhầy, không có máu. Có sự thay đổi về cảm giác khi đại tiện: người bệnh thấy mót, cần đi ngay, hoặc có cảm giác đi không hết phân. Một số dấu hiệu khác : chậm tiêu, ợ chua, đau ngực, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm… – Các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm, X-quang bụng, nội soi ống tiêu hóa… đều cho kết quả bình thường. Việc chẩn đoán hội chứng đại tràng kích thích rất dễ mà cũng rất khó . Dễ vì chỉ cần người bệnh bị đau bụng và rối loạn đại tiện kéo dài 3 tháng là có thể nghĩ tới hội chứng này. Khó vì để khẳng định nó, bác sĩ phải loại trừ tất cả các bệnh khác có triệu chứng tương tự khác. Chẳng hạn, với triệu chứng đau bụng, cần phân biệt với bệnh loét dạ dày – tá tràng, sỏi mật, giun sán, viêm tụy… Nếu bệnh nhân hay bị táo bón chiếm ưu, phải loại trừ các bệnh túi thừa đại tràng , ung thư đại tràng, u tử cung, viêm đường mật… Với chứng tiêu chảy , phải nghĩ đến cả các bệnh như loét đại tràng, viêm ruột giả mạc, rối loạn hấp thu, cường giáp… Điều trị hội chứng đại tràng kích thích là một việc khó khăn đối với cả Đông y và Tây y . Về Tây y, do chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh nên chỉ có thể điều trị triệu chứng (chống đau bụng, tiêu chảy, táo bón). Ngoài ra, bệnh nhân được sử dụng các thuốc hướng tâm thần (nhất là các thuốc chống trầm cảm) . Theo Đông y, hội chứng đại tràng kích thích xuất hiện do khí trệ (gây đầy trướng, khó chịu, táo bón), tỳ hư (gây tiêu lỏng, chậm tiêu) và đặc biệt là do can – tỳ bất hòa. Theo ngũ hành, can thuộc mộc, liên quan tới các hoạt động tình chí; tỳ thuộc hành thổ, liên quan tới các vấn đề tiêu hóa. Mộc khắc thổ, vì vậy nếu có tâm trạng tức giận, căng thẳng, khí của can vượng lên, khắc chế tỳ mạnh hơn, gây rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, lý thuyết này chưa giải thích hết được các biểu hiện của hội chứng đại tràng kích thích. Căn bệnh này được Đông y điều trị bằng các vị thuốc và bài thuốc sau: Chống đau bụng: mộc hương, hậu phác, chỉ xác, hương phụ. Chống tiêu chảy: búp ổi, búp sim, vỏ lựu. Chống táo bón: mật ong, vừng đen, lá muồng, mang tiêu, đại hoàng. Bài thuốc hòa giải can tỳ, chữa đau bụng tiêu chảy do tâm trạng bất ổn: bạch truật, bạch thược mỗi thứ 12 g; trần bì, phòng phong mỗi thứ 8 g. Sắc uống ngày 1 thang. Sau khi được điều trị bằng Đông y, bệnh vẫn hay tái phát. Trong việc điều trị hội chứng đại tràng kích thích, cả Đông y và Tây y đều thống nhất ở một điểm sau : Bệnh nhân cần thay đổi lối sống để phòng bệnh và góp phần làm giảm bệnh: sống lành mạnh, không làm việc quá sức, không căng thẳng suy nghĩ, tập thể dục thường xuyên, không bê tha rượu bia, ăn uống điều độ, kiêng các chất kích thích, đồ cay, chua…
Viêm đại tràng kích thích
Viêm đại tràng kích thích là bệnh về đường tiêu hóa, xuất hiện khá phổ biến ở những người trưởng thành. Nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn nam. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa định được và bện h cũng chưa có phương pháp chữa trị tận gốc được. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Triệu chứng viêm đại tràng kích thích Viêm đại tràng kích thích còn có tên gọi khác là viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt. Đây là hội chứng rối loạn tiêu hóa mạn tính tái đi tái lại kéo dài ít nhất 3 tháng mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột. Bệnh kéo dài làm cho người bệnh mệt mỏi, lo lắng, cơ thể ngày một gầy gò, sức đề kháng yếu đi, làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi mắc bệnh, cơ thể xuất hiện những triệu chứng như sau: 1. Đau bụng Đau thay đổi từ âm ỉ cho tới dữ dội ở bụng dưới, đau quặn ở phía bên trái, đau quanh rốn. Những cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm, chiều tối hoặc sau mỗi bữa ăn Ăn những món ăn khó tiêu hoặc chứa nhiều gia vị chua cay,ăn nhiều chất béo, hoặc một số món ăn lạ có thể làm tăng cảm giác đau bụng lên. Đau bụng tăng lên khi tâm lý người bệnh không thoải mái, buồn phiền, lo lắng Đau bụng giảm sau khi đi đại tiện. Một số trường hợp người bệnh không đau bụng mà có cảm giác khó chịu và không thoải mái ở vùng bụng dưới. 2. Rối loạn đại tiện Đại tiện nhiều lần trong ngày (>3 lần/ngày) Đại tiện lỏng, phân không thành khuôn (lỏng, nhão, cứng, phân nhỏ…) Cảm giác mót rặn Phân có nhầy mũi nhưng không có máu 3. Triệu chứng khác của viêm đại tràng kích thích Lo âu, mệt mỏi là triệu chứng của bệnh (Ảnh minh họa) Ngoài những triệu chứng trên, bệnh còn xuất hiện những triệu chứng khác như: chậm tiêu, đầy hơi, ợ chua, đau ngực, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm… Những triệu chứng này thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Khi đi xét nghiệm xét nghiệm phân, siêu âm, X-quang bụng, nội soi ống tiêu hóa…đều cho kết quả bình thường. Chẩn đoán viêm đại tràng kích thích Bệnh có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác, nên khi chẩn đoán cần xem xét kỹ càng.Việc chẩn đoán rất dễ mà cũng có điểm khó Dễ: vì khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng và rối loạn đại tiện kéo dài 3 tháng là có thể nghĩ tới hội chứng này. Khó: vì để khẳng định chính xác là có mắc bệnh này hay không bác sỹ cần phải loại trừ các triệu chứng tương tự của bệnh khác. Với triệu chứng đau bụng, cần phân biệt với bệnh loét dạ dày – tá tràng, sỏi mật, giun sán, viêm tụy… Nếu bệnh nhân hay bị táo bón chiếm ưu, phải loại trừ các bệnh túi thừa đại tràng, ung thư đại tràng, u tử cung, viêm đường mật… Với chứng tiêu chảy, phải nghĩ đến cả các bệnh như loét đại tràng, viêm ruột giả mạc, rối loạn hấp thu, cường giáp… Điều trị viêm đại tràng kích thích Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Người ta chỉ điều trị các triệu chứng của viêm đại tràng kích thích như dùng các loại thuốc làm giảm đau bụng, tiêu chảy, táo bón… Ngoài ra, thực đơn ăn uống phù hợp và đời sống lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Bổ sung thức ăn giàu chất xơ như rau xanh vào thực đơn hàng ngày Tránh ăn chất béo, thức ăn chưa được nấu chín Hạn chế đồ uống chứa cồn như rượu bia và các loại gia vị chua cay… Sống lành mạnh, tránh tình trạng lo âu, căng thẳng, làm việc không nên quá sức Thường xuyên tập thể dục thể thao, mỗi ngày ít nhất ít nhất 30 phút để tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật