Những lưu ý trong ăn uống với bệnh viêm đại tràng mạn
Người bị bệnh viêm đại tràng mãn cần đặc biệt lưu ý trong việc ăn uống. Dưới đây là những lưu ý trong việc ăn uống với bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính 1. Đặc điểm của bệnh viêm đại tràng mạn tính Viêm đại tràng mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng vi sinh vật và ký sinh vật đóng vai trò đáng kể. Triệu chứng có khi chỉ nhẹ, thoáng qua, nhưng có khi nặng. Biểu hiện nhẹ của bệnh là những cơn đau bụng vùng hố chậu (hố chậu trái hoặc hố chậu phải, có khi đau cả hai), đau âm ỉ hoặc quặn từng cơn. Thường có đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài khi lỏng khi sền sệt, có khi lại táo bón phân từng cục như phân dê, đi ngoài phải rặn nhiều dễ gây nên bệnh trĩ. 2. Những lưu ý trong ăn uống với người viêm đại tràng mạn Thức ăn đối với người bị viêm đại tràng mạn tính rất nhạy cảm. Hầu hết người bị viêm đại tràng khi ăn “thức ăn lạ” là bị đau bụng, đi lỏng ngay sau khi ăn không bao lâu. Vì thế, khi bị viêm đại tràng mạn tính bệnh nhân cần xác định nguyên nhân của viêm đại tràng mạn tính thì việc điều trị mới đưa lại kết quả tốt. Việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không phải là thuốc điều trị, nhưng nó có vai trò thúc đẩy quá trình lành bệnh và giảm các triệu chứng. Những khi bệnh nhân bị rối loạn kích thích gây đi lỏng, phân nát, đi ngoài nhiều lần trong ngày thì không nên ăn rau, hoặc các loại có chất xơ; không ăn ớt, hạt tiêu, chất gia vị; không ăn các thức ăn chua; khi ăn trái cây thì cần gọt vỏ; không ăn chuối, nhất là chuối tiêu; không ăn các loại quả đóng hộp; không uống cà phê, kẹo sô-cô-la sẽ gây kích thích đại tràng. Bệnh nhân viêm đại tràng mạn nên ăn cháo đặc, súp, ăn làm nhiều lần, không nên ăn một lúc no quá. Ngược lại thì những khi bị táo bón thì bệnh nhân nên ăn những thức ăn có nhiều rau xanh như canh lá mồng tơi, rau lang, củ khoai lang. Ăn cơm nhai kỹ, vẫn phải tránh ăn chua, cay, các loại gia vị; không uống rượu, bia. Cũng rất nên tránh ăn thức ăn có nhiều lượng dầu, mỡ như món xào, chiên. Bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính cần tránh dùng các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm steroid vì chúng làm ảnh hưởng đến niêm mạc đại tràng trong lúc niêm mạc đang bị bệnh. Ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, ăn uống hợp lý thì tập thể dục đều đặn như tập dưỡng sinh, xoa bụng, đi bộ… cũng đóng góp đáng kể vào việc chữa trị bệnh VĐTMT có hiệu quả.