Cảnh giác với bệnh đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là căn bệnh về mắt khá phổ biến. Theo thống kê, 70% số người mù tại Việt Nam có liên quan đến đục thủy tinh thể. Điều đáng nói là có tới 35% người mù do đục thủy tinh thể chủ quan, không biết bản thân bị bệnh hoặc không biết rằng đục thủy tinh thể có thể chữa được.
Hầu hết đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn
Bà Oanh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có các biểu hiện như mắt nhìn kém, nhìn mờ, hay bị quáng gà nhưng bà chủ quan chỉ nghĩ đơn giản đó là biểu hiện của tuổi già, thị lực kém đi nên bà không hề nghĩ đến chuyện đi khám để kiểm tra thị lực. Mãi khi anh con trai đang công tác tại Hà Nội về thăm nhà, thấy mắt mẹ không còn tinh anh, nhiều lúc nhìn một thành hai mới vội thu xếp đưa mẹ xuống Hà Nội khám.
Tới Bệnh viện, qua thăm khám, bác sỹ nhanh chóng xác định bà bị bệnh đục thủy tinh thể. Nếu không điều trị bà sẽ bị mù. Rất may mắn, bà đến viện kịp thời nên việc phẫu thuật điều trị không mấy khó khăn. Sau khi được phẫu thuật, thị lực bà đã tốt hơn trước.
Không được may mắn như người hàng xóm, bà Bền (70 tuổi) sau khi biết bà Oanh được phẫu thuật vì có những triệu chứng giống mình, bà cũng thu xếp xuống Hà Nội chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng của bà đã kéo dài 2 năm và ngày càng trầm trọng, hiện bà không thể nhìn thấy gì. Các bác sỹ xem xét liệu có thể khôi phục lại thị lực cho bà nhờ phẫu thuật không nhưng rất khó khăn. Nếu không thành công, bà sẽ phải sống trong mù lòa suốt phần đời còn lại.
Theo các bác sỹ bệnh viện Mắt TƯ, đục thủy tinh thể là căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trong dân số. Hiện cả nước có đến 251.700 người mù cả hai mắt do đục thể thủy tinh thể và mỗi năm cả nước có thêm khoảng 170.000 trường hợp cần được điều trị do căn bệnh này.
Đáng nói, đa phần người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Và rất nhiều người trong số đó (35%) không biết mình bị đục thủy tinh thể mà nếu biết, cũng cho rằng đó là bệnh không thể điều trị khỏi.
Suy giảm thị lực là một trong những biểu hiện bệnh đục thủy tinh thể
“Cần phải khẳng định, đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản bằng kỹ thuật mổ Phaco. Thị lực người bệnh được phục hồi tốt. Thế nhưng, đa số người bệnh lại đến viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Nhất là ở những trường hợp mà các dây thần kinh thị giác (nhiệm vụ cung cấp thông tin nhìn thấy đến não) có thể đã bị phá huỷ hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn hoặc nếu điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn”,các bác sĩ cảnh báo.
Nhận biết sớm đục thủy tinh thể
Bác sĩ chuyên khoa cho hay: “Ở người cao tuổi sự lão hoá xảy ra ở tất cả mọi bộ phận trong cơ thể, đôi mắt của họ cũng không là ngoại lệ”.
Mắt bị lão hóa, thủy tinh thể bị ảnh hưởng do sự lão hoá sớm nhất, đến tuổi 40 thủy tinh thể bắt đầu cứng, độ đàn hồi giảm, khả năng điều tiết giảm. Khi đó bệnh nhân nhìn xa rõ nhưng nhìn gần mờ và thấy nhanh mỏi mắt.
Đục thuỷ tinh thể dễ xảy ra từ tuổi 60 trở đi, gây ra hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.
Thủy tinh thể (nhân mắt) bị xơ cứng, không thể phồng lên để thực hiện chức năng điều tiết khi nhìn gần gọi là hiện tượng lão thị ở người già. Theo thời gian, thủy tinh thể không còn trong suốt nữa, mà trở thành mờ đục gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm). Hiện tượng này xảy ra ở 50% người lớn tuổi, khi mới bị thì nhìn xa thấy mờ, về sau nhìn gần cũng mờ, giơ bàn tay ra trước mắt cũng chỉ thấy bóng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện rõ rệt như vậy ngay từ ban đầu. Hơn nữa, bệnh này không gây đau nhức mắt khiến người bệnh càng chủ quan. Cũng có nhiều người chỉ thấy giảm thị lực đôi chút, chói mắt khi ra nắng khiến người bệnh chỉ đến khám khi bệnh đã nặng, rất khó chữa chạy. Còn được phát hiện, điều trị sớm, 90% người bệnh được khôi phục lại thị lực.
Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa mắt đưa ra lời khuyên, những người cao tuổi nên tăng cường kiểm tra mắt định kỳ để hạn chế các biến chứng, bảo vệ chức năng thị giác và giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.
Tuy nhiên, có một thực tế là có tới 1/3 dân số Việt Nam chưa bao giờ khám mắt. Theo điều tra của viện Mắt T.Ư, chỉ 51% người được hỏi biết thị lực của bản thân. Còn tới 30% người dân chưa bao giờ đi kiểm tra mắt, kiểm tra thị lực.
Đó cũng là một căn nguyên khiến tỷ lệ người bị mù lòa ở Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Hiện tại Việt Nam, có khoảng 500.000 người mù cả hai mắt, số người bị mù một mắt trên 1 triệu người. Riêng nhóm người trên 50 tuổi, có trên 2,2 triệu người bị tổn hại chức năng thị giác.
Trong khi đó, các nguyên nhân chính gây mù ở người cao tuổi thường là đục thuỷ tinh thể (chiếm đến 70%), cườm nước, thoái hoá hoàng điểm tuổi già và ảnh hưởng từ bệnh toàn thân.
Đức Nam (theo Dân trí)