• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

ATISÔ

Atiso là một loại thảo dược giúp thông tiểu, thông mật, dùng cho người yếu gan, thận, làm hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch.

ATISÔ 1Atiso dùng cho người yếu gan, thận (Ảnh minh họa)

Tên thường gọi: Atiso
Tên khoa học: Cynara scolymus L
Thuộc họ: Cúc.
Mô tả: Là loại cây lá gai lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn. Atisô có thể cao lên tới 1,5 đến 2 mét, lá cây nhăn nheo dài từ 50 – 80 cm, lá mọc so le phiến khía xẻ thùy sâu hình lông chim, mép thuỳ khía răng cưa to, đỉnh răng cưa thường có gai rất nhỏ, mềm, mặt trên lá màu nâu hoặc lục, mặt dưới màu xám trắng, lồi nhiều và những rãnh dọc rất nhỏ, song song. Lá có nhiều lông trắng vón vào nhau. Lá bắc ngoài cụm hoa dầy và nhọn, Cụm hoa có mầu tím nhạt. Phần gốc nạc của lá bắc và đế hoa ăn được vị hơi mặn chát và hơi đắng. Cây được di thực và trồng nhiều ở Đà lạt, Sa pa, Tam đảo.
Phân bố: Atisô là cây thuốc nguồn gốc Ðịa Trung Hải, được người Pháp di thực vào trồng ở Việt Nam từ hàng trăm năm nay ở các vùng có khí hậu ôn đới như Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Sapa (Lào Cai), Tam Ðảo (Vĩnh Phúc). Ðến nay Atisô được phát triển trồng ở nhiều nơi, kể cả vùng đồng bằng như Hải Dương cây vẫn phát triển tốt.
Thu hái: Lúc cây sắp ra hoa, hái lấy lá, bẻ sống. Cụm hoa chưa nở làm rau ăn vào tháng 12 đến tháng 2. Còn lá cũng được thu hái lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có hoa, rọc bỏ sống lá đem phơi khô hay sấy khô. Lá Atisô thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng hoặc vào cuối mùa hoa. Khi cây trổ hoa thì hàm lượng hoạt chất giảm, vì vậy, thường hái lá trước khi cây ra hoa. Ở Đà Lạt, nhân dân thu hái lá vào thời kỳ trước tết Âm lịch 1 tháng.
Bộ phận dùng: Cụm hoa và lá bắc có phần gốc nạc, thường được dùng làm rau ăn và làm thuốc. Lá hái lúc cây sắp ra hoa hoặc mới ra hoa, dùng làm thuốc.
Thành phần hoá học chính:
Cynarin, flavonoid, chất nhầy, pectin…
Công năng: Chống lão hóa, giải độc, hạ mỡ máu, mát gan, lợi tiểu.
Công dụng: Thông tiểu, thông mật, dùng cho người yếu gan, thận, làm hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch.
Tác dụng dược lý
Các nhà khoa học Pháp, Liên Xô cũ, Nhật và Thụy Sĩ đã chứng minh các tác dụng của Atisô:

  • Tiêm tĩnh mạch dung dịch Atisô sau 2 – 3 giờ lượng mật bài tiết gấp 4 lần.
  • Cho uống hoặc tiêm dung dịch Atisô làm hạ cholesterol và urê trong máu. Tăng lượng nước tiểu, tăng hàm lượng urê trong nước tiểu.
  • Hoa Atisô có tác dụng giảm viêm, hạ cholesterol trong máu.
  • Atisô không độc.

Kỹ thuật sơ chế Atisô: Trong lá, hoa và thân, rễ của cây Atisô chứa nhiều enzym (men) oxy hóa. Sau khi hái, các enzym sẽ hoạt động mạnh, phá hủy các hoạt chất chứa trong dược liệu. Vì vậy phải nhanh chóng diệt men để ổn định hoạt chất bằng các phương pháp sau:

  • Hấp 5 phút trong hơi cồn sôi rồi phơi hoặc sấy khô ngay.
  • Ngâm trong dung dịch NaCl 5% (muối ăn) rồi phơi hoặc sấy khô ngay.
  • Nếu không nhanh chóng diệt men mà chỉ phơi sấy khô dược liệu theo phương pháp thông thường thì 80 – 90% hoạt chất có trong Atisô bị phá hủy.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay chè thuốc, cao mềm, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Trên thị trường có chế phẩm cao Atisô dưới dạng viên nang và các chế phẩm dạng trà thuốc.
Bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian:
1.Chữa tiểu đường:

  • Thân cây Atisô 40g, rễ 40g, hoa 20g, tất cả phơi khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g pha như pha nước chè.
  • Hoa Atisô 50g cũng phơi khô tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g, pha như pha nước trà.
  • Hoa Atisô 100g, lá Atisô 100g, luộc ăn như ăn các loại rau thông thường.
  • Giò heo hầm Atisô: Giò heo (giò lợn, giò trước tốt hơn giò sau), 2 hoa Atisô, gia vị muối tiêu đường, bột ngọt, vừa đủ, rau ngò. Cách làm: Giò heo cạo sạch, đập phần móng, bóc bỏ phần cứng của móng. Chặt khoanh tròn. Ướp gia vị: muối, tiêu, đường, bột ngọt, củ hành tím băm nhỏ. Để 30 phút cho giò heo thấm gia vị. Hoa Atisô: 1 hoa tách rời tùng cánh, rửa sạch, để ráo nước, hoa còn lại không tách cánh, chỉ cắt bớt phần đầu cánh cứng. Rửa thật kỹ dưới vòi nước cho sạch hết các chất bẩn. Hành lá rửa sạch, để ráo, cắt ngắn. Đặt nồi nước lên bếp, cho 1 củ hành tím vàn nước cho thơm. Nước sôi cho giò heo vào nồi nấu tiếp. Chú ý không đậy nắp nồi để giữ cho nước canh trong. Thỉnh thoảng vớt hết bọt trong nồi ra. Để lửa nhỏ, nước canh sôi lăn tăn vào khoảng 45 phút. Cho hoa Atisô vào nồi hầm tiếp khoảng 20 phút nữa. Nêm gia vị, nước mắm vào bột ngọt cho vừa ăn. Nhắc xuống, múc giò heo hầm ra tô lớn. Đặt hoa Atisô ở giữa, xung quanh rắc tiêu, hành. Món giò heo hầm Atisô kích thích vị giác giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng dùng cho người bị tiểu đường. Ngoài ra nó còn có tác dụng tăng tiết sữa ở các bà mẹ sau khi sinh.
  • Hoa Atisô 50g, Ý dĩ 50g, lá Lách lợn 150g, gia vị vừa đủ. Hoa Atisô, Ý dĩ, giã nhỏ, lá Lách lợn rửa sạch, thái miếng, cho tất cả vào bát to, cho gia vị vào trộn đều, đem hấp cách thủy khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày ăn 1 lần, một liệu trình là 10 ngày, thời gian nghỉ giữa các liệu trình là 5 ngày. Cần dùng 3 – 4 liệu trình.

2. Giúp giảm cholesterol trong máu, giúp tiêu hóa tốt: Hoa Atisô 50g, khoai tây 100g, cà rốt 50g, xương sườn lợn 150g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Hoa Atisô, khoai tây, cà rốt làm sạch, cắt thành miếng, xương sườn lợn rủa sạch, chặt miếng, ướp gia vị cho ninh nhừ, tiếp theo cho khoai tây, cà rốt, hoa Atisô vào đảo đều, đun tiếp khi thức ăn đã nhừ đem dùng, có thể ăn với cơm, bánh mì, bún v.v… Ngày ăn 1 lần cần ăn liền 5 – 10 ngày.
3. Tăng cường chức năng gan, giúp cơ thể giải độc. Hoa Atisô 50g, gan lợn 100g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Hoa Atisô rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy 100ml nước (lọc như lọc cua). Gan lợn làm sạch thái miếng ướp gia vị, sau 30 phút khi nước Atisô đã đun sôi thả gan vào đậy kín vung, bắc nồi ra khỏi bếp, khoảng 20 phút sau là dùng được. Có thể cho gan vào nước Atisô, đem hấp cách thủy. Có thể dùng với cơm, bánh mì, bún, ngày ăn 1 – 2 lần, ăn liền 5 – 10 ngày

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.