Sử dụng TPCN khi nào thì hợp lý?

Hiện nay việc sử dụng các loại Thực phẩm chức năng (TPCN) là khá phổ biến. Các sản phẩm TPCN xuất hiện ngày càng nhiều và có những công dụng nhất định đối với sức khỏe con người. Vậy TPCN là gì? Khi nào chúng ta nên sử dụng TPCN?

Cần hiểu rõ TPCN không phải là thuốc

TPCN khác với thuốc là nhà sản xuất công bố trên nhãn là thực phẩm, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe, đảm bảo các quy định về thực phẩm. Còn thuốc thì nhà sản xuất công bố trên nhãn mác là thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng và chống chỉ định.

Thuốc là những sản phẩm dùng để chữa bệnh và phòng bệnh, được chỉ định để tái lập, điều hành hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể. Còn TPCN thì có thể sử dụng thường xuyên, lây dài nhằm nuôi dưỡng, bổ sung hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn không có độc hại, không có tác dụng phụ.

Người tiêu dùng có thể sử dụng TPCN theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, kê đơn của thầy thuốc. Đồng thời cần nhớ rằng thực phẩm chức năng cũng khác thực phẩm thông thường. Mỗi sản phẩm được sản xuất với một mục đích nào đó và được phân loại quốc tế để tránh nhầm lẫn giữa dược phẩm, thực phẩm chế biến và thực phẩm chức năng.

Khác với thực phẩm thông thường, thực phẩm chức năng với liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng miligam, gram như thuốc và có đối tượng chỉ định rõ rệt như: người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…

TPCN – Công cụ dự phòng sức khỏe

TPCN là các vi chất dinh dưỡng bao gồm: các nguyên tố vi lượng, vitamin, acid amin, acid béo và các hoạt chất sinh học.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, bên cạnh những ưu điểm, cuộc cách mạng công nghiệp đã dẫn tới 4 thay đổi cơ bản là: phương thức làm việc, lối sống và sinh hoạt, lối tiêu dùng thực phẩm (chủ yếu là thực phẩm chế biến) và thay đổi về môi trường. Các bệnh mạn tính phổ biến là: tiểu đường, tim mạch, ung thư, xương khớp, dị ứng, tiêu hóa, thần kinh, tăng cân béo phì, bệnh về da, hô hấp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thị lực … cũng từ đó mà ra. Các bệnh mãn tính không lây chưa thể phòng bệnh bằng vắc xin mà cần thực hiện bổ sung  thông qua các vitamin, các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, các chất chống ô xy hóa (TPCN). Khi các vi chất dinh dưỡng ở dưới mức nhu cầu  sinh lý, có thể gây nên các rối loạn về cấu trúc và chức năng của tế bào, tổ chức và cơ thể sống.

TPCN – Công cụ dự phòng sức khỏe 1

TPCN không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E…), chất xơ và một số thành phần khác. Nhờ tham gia vào cấu tạo, thành phần các tế bào, tổ chức  của cơ thể; tham gia xúc tác các phản ứng enzym; tổng hợp hormone và bảo vệ cơ thể nên vi chất dinh dưỡng (TPCN) có tác dụng chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ, tác dụng tạo sức khỏe sung mãn; tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật; hỗ trợ điều trị bệnh tật và làm đẹp cho con người. Bởi vậy, TPCN được coi là công cụ dự phòng sức khỏe trong thế kỷ 21.

Khi nào dùng TPCN?

Đa phần các chất dinh dưỡng ở TPCN đều hiển diện trong thức ăn hàng ngày. Do vậy, một chế độ ăn dinh dưỡng, đầy đủ và đa dạng sẽ khiến cơ thể có được những chất cần thiết.

Trước khi quyết định mua một sản phẩm TPCN về dùng, hãy hiểu thực chất của sản phẩm này, cần được các chuyên gia tư vấn và cung cấp thông tin về loại sản phẩm định sử dụng, tự đánh giá đúng tình hình bệnh tật và sức khỏe của chính mình để chọn đúng sản phẩm cần thiết cho bản thân.

Khi chọn mua một sản phẩm, chúng ta cần phải chắc chắn rằng, sản phẩm này đã được cơ quan chức năng khẳng định có chất lượng và đảm bảo an toàn, vệ sinh. Nơi cung cấp là cơ sở được phép kinh doanh và công khai để tránh đi mua theo kiểu rỉ tai nhau.

Nếu đang dùng thuốc trị bệnh, muốn dùng thêm thực phẩm chức năng, bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị để có hướng dẫn sử dụng phù hợp, tránh ttrường hợp tương tác thuốc xảy ra.

Ngoài ra, khi dùng thuốc chứa các chất như canxi, sắt, kẽm, magiê… bạn nên tránh dùng cùng lúc với thực phẩm chức năng có chứa các chất này, vì chúng sẽ cạnh tranh và hạn chế hấp thu cả thuốc lẫn thực phẩm chức năng. Trong một số trường hợp, những thành phần dinh dưỡng mà thực phẩm chức năng mang đến cho cơ thể vượt quá những nhu cầu cần thiết hàng ngày của cơ thể.

Một thành phần, vitamin D chẳng hạn, vừa có mặt trong sản phẩm này vừa có mặt trong sản phẩm kia, khi dùng nhiều sản phẩm cùng lúc sẽ dẫn đến quá liều vitamin D, gây sỏi thận. Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của các thực phẩm chức năng, sản phẩm không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe.

Nhưng người tiêu dùng cần hiểu đúng và dùng đúng các loại thực phẩm này để chúng phát huy được hiệu quả tối đa mà lại đảm bảo được sức khỏe của mình hàng ngày, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Lohha

Theo Viện TPCN

Cập nhật lúc: 07/06/2024
Loading...