Hội chứng ruột kích thích bệnh không dễ chẩn đoán !
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một trong những bệnh đường ruột hay gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới. Nữ bị nhiều hơn nam giới (tỷ lệ ~ 2:1), độ tuổi hay gặp từ 40- 60. Tỷ lệ mắc thống kê được từ 5-20% dân số, nhưng trên thực tế con số này cao hơn nhiều vì số người đi khám và điều trị rất ít mà thường tự điều trị theo hướng trị triệu chứng. HCRKT có các biểu hiện khá giống các bệnh khác về đại tràng nên việc chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn nếu không có những khám xét và cân nhắc cần thiết.
HCRKT có biểu hiện thế nào?
Các triệu chứng về tiêu hóa biểu hiện chính là đau bụng, bụng trướng hơi, rối loạn đai tiện, rối loạn phân. Dựa vào hình thái phân trên lâm sàng có thể chia HCRKT ra bốn thể là: Tiêu chảy, Táo bón, Hỗn hợp (vừa táo vừa lỏng) và Không có thay đổi thói quen đại tiện.
Bệnh nhân thường mô tả có cảm giác khó chịu vùng bụng, bụng đầy hơi, không nhịn được khi có nhu cầu đại tiện, phải đi cầu ngay, phân nhỏ dẹt, thay đổi số lần đại tiện. Cần chú ý rằng trong HCRKT không bao giờ có máu trong phân.
HCRKT có thể gặp ở toàn bộ ống tiêu hóa, nhưng chủ yếu hay gặp ở đại tràng, nên bệnh còn có tên gọi khác như: đại tràng co thắt, rối loạn chức năng đại tràng.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng ngoài tiêu hóa như: đau đầu, trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, khó thở, lo lắng, mất ngủ… Các triệu chứng này xuất hiện phụ thuộc vào thời gian bị bệnh.
Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh
Mặc dù có những triệu chứng bệnh như trên nhưng bệnh nhân lại thường có kết quả bình thường khi được thăm khám, làm xét nghiệm cận lâm sàng.
Nội soi đại trực tràng: bình thường.
Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn: bình thường.
X quang khung đại tràng cũng cho kết quả bình thường, đôi khi có thể có rối loạn co bóp nhu động.
Vì HCRKT là rối loạn chức năng nên không có một xét nghiệm nào có thể đưa đến kết luận bệnh nhân có bị HCRKT hay không. Bệnh nhân cần được làm nhiều xét nghiệm khác nhau nhằm loại trừ tất cả những nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự HCRKT (chẩn đoán loại trừ). Việc chỉ định xét nghiệm hoặc biện pháp thăm khám tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán loại trừ là cần thiết để tránh nhầm lẫn HCRKT với các bệnh khác. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng như trên bạn cần đến các cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán chính xác và tìm ra hướng điều trị hợp lý cho mình.
TS.BS. Bùi Nguyên Kiểm
Nguyên Trưởng khoa Nội 2 – BV Xanh Pôn – Hà Nội