• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Sơn trà

Sơn trà hay còn có tên gọi khác là Pom rừng, Táo mèo… là một loài cây gỗ cao thường có nhiều ở Kon Tum và Lâm Đồng nước ta. Quả của cây dùng làm thuốc có vị chát, ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu tích trệ, hoá đờm rãi, thông ứ trệ, giải độc cá thịt, chữa cao huyết áp…

Sơn trà 1

Tổng quan về cây thuốc

Tên gọi khác: Sơn tra, Gan, Pom rừng, Táo mèo

Thuộc họ: Hoa hồng – Rosaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 10-15m (đến 30m). Cành non có gai và có lông. Lá hình trứng, mọc so le, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa, lúc non có lông, sau nhẵn, cuống dài 2-4cm, lá kèm cao 5mm, mau rụng. Cụm hoa hình tán ở nách lá, gồm 3-7 hoa màu trắng; nhị 30-50; bầu 5 ô, có hạch hình cầu hơi dẹt, khi chín màu vàng lục, đầu có u vì gốc vòi nhuỵ và lá đài còn để lại dấu vết. Hạt màu nâu sẫm.

Hoa tháng 12-3; quả tháng 9-11.

Bộ phận dùng: Quả – Fructus Mali Doumeri.

Nơi sống và thu hái: Loài phân tán trong rừng rậm thường xanh, núi cao 1500-2000m. Lá rụng vào mùa đông. Có nhiều ở rừng Tu mơ rông (Kon Tum) và Lang Bian (Lâm Đồng). Cũng được trồng ở miền núi để lấy quả. Thu hái quả vào mùa thu – đông, thái từng khoanh, phơi khô.

Thành phần hoá học: Có tanin, đường, acid tartric, acid citric.

Tính vị, tác dụng: Vị chát, ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu tích trệ, hoá đờm rãi, thông ứ trệ, giải độc cá thịt.

Công dụng: Quả ăn được và thường dùng chữa:

  • Ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau bụng, ỉa chảy, lỵ, đau bụng do ứ huyết sau khi sinh
  • Cao huyết áp
  • Trẻ em cam tích. Ngày dùng 8-20g dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc bột hoặc viên.

Dùng ngoài chữa chốc lở, lở sơn; dùng quả nấu nước để tắm, rửa.

Kiêng kỵ: Tỳ vị hư yếu, không có thực tích: không nên dùng Sơn tra (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Đơn thuốc kinh nghiệm

  • Trị sinh xong mà sản dịch không ra hết, bụng đau, bụng đau gò lại: Sơn tra 90g, sắc kỹ, thêm ít đường, uống lúc đói rất hay (Đan Khê Tâm Pháp).
  • Trị thịt tích lại không tiêu: Sơn tra nhục 120g, sắc kỹ, ăn cả nước lẫn cái (Giản Tiện phương).
  • Trị sán khí gây nên thiên trụy (thoái vị), dịch hoàn sệ xuống: Sơn tra nhục, Hồi hương (sao), đều 30g, tán bột, làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 50 viên với nước sôi, lúc đói (Vệ Sinh  Giản Dị phương).
  • Trị trường phong hạ huyết, uống nhiều thuốc mát hoặc thuốc nóng và thuốc trị Tỳ hư mà không khỏi, đến sau này chỉ dùng 1 vị Sơn khỏa quả, tục gọi là Toan táo, lại có tên khác là Ty thế đoàn, phơi khô, tán bột. Dùng lá Ngải sắc lấy nước uống thuốc thì khỏi ngay (Bách Nhất Tuyển phương).
  • Trị người lớn tuổi lưng đau, chân đau: Sơn tra nhục, Lộc nhung (nướng), lượng bằng nhau, tán bột. Luyện với mật làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 50 viên với rượu (Thế Y Đắc Hiệu phương).
  • Trị bụng đầy, bụng đau, rối loạn tiêu hóa: Sơn tra, Thanh bì, Mộc hương, lượng bằng nhau, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, với nước sôi (Quân Khí Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách). ).
  • Trị ợ hơi, rối loạn tiêu hóa: Sơn tra sống, Sơn tra sao đều 20g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị tiêu chảy: Sơn tra thán 10g, tán bột, uống với nước sôi (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị trẻ nhỏ tiêu chảy: Lưu Đại Phát dùng sirô Sơn tra cho uống, mỗi lần 5 – 10ml, ngày 3 lần. Đã trị 212 ca, kết quả đều khỏi. 173 ca khỏi trong 2 – 3 ngày (Hồ Bắc trung Y Tạp Chí 1985, 4: 28).
  • Trị kinh nguyệt bế do ứ huyết hoặc sau khi sinh bụng đau do ứ trệ: Sơn tra 40g, sắc, bỏ bã, trộn với 25g đường, uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị kiết lỵ cấp, đại trường viêm cấp: Sơn tra 60g, sao cháy sơ. Thêm 30ml rượu, trộn đều, sao lại cho khô rượu. Thêm 200ml nước, sắc khoảng 15 phút, bỏ bã, thêm 60g ờnnng, sắc cho sôi, uống nóng, ngày 1 thang. Trị 100 ca đều khỏi. Thường chỉ 1 thang là có kết quả (Tân Y Học Tạp Chí 1975, 2: 111). Trị 51 ca kiết lỵ cấp, khỏi 41 ca, kết quả tốt hơn dùng thuốc Chlorocid [Tây y] (Chu Kiến Viễn, Tân Y Học Tạp Chí 1977, 1: 3).
  • Trị kiết lỵ cấp, đại trường viêm cấp: Sơn tra (sao cháy) 120g, Bạch biển đậu (hoa) 30g. sắc uống ngày 1 thang. Trị 91 ca, có kết quả 97,80%. Báo cáo cho biết Sơn tra trị lỵ tốt hơn còn Bạch biển đậu (hoa) đối với đại trường viêm tốt hơn (Trung Thảo Dược Học Báo 1973, 3: 31).
  • Trị  lỵ mới phát: Sơn tra 30g, sắc nước. Thêm đường mía 30g, Tế trà sắc sôi, uống nóng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị lipid máu cao: Sơn tra, Mạch nha (cô đặc). Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30g. mỗi ệuuu trình 14 ngày. Trị 127 ca Cholesterol cao, có kết quả 92%

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.