• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Ngô thù du

Ngô thù du còn gọi là Ngô thù, Thù du, Ngô du là quả chín phơi khô của cây Ngô thù du có tên thực vật là Evodia rutaecarpa (Juss.) Benth thuộc họ Cam quýt (Rutaceae) có tác dụng chữa ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau bụng ỉa lỏng, cước khí, đau đầu, ngoài ra còn dùng trong trường hợp mình mẩy tê đau, lưng chân yếu, sốt cảm lạnh…

Ngô thù du 1

Hình ảnh: Ngô thù du

Tổng quan về cây thuốc

Tên gọi khác : Ngô thù, thù du…

Họ : Cam – Rutaceae.

Tên khoa học : Evodia rutaecarpa (Juss.) Benth

Mô tả : Cây cao chừng 2,5-8m. Cành màu nâu hay tía nâu, khi còn non có lông mềm dài, khi già nhẵn. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ, cả cuống và lá dài độ 15-35cm, mang 2-5 đôi lá chét có cuống ngắn; phiến lá chét dài 5-14cm, rộng 2,5-6cm, đầu nhọn, mép nguyên, có lông màu nâu mịn ở cả hai mặt. Hoa đơn tính, khác gốc tập hợp thành tán hay chùm. Hoa màu vàng trắng, hoa cái lớn hơn hoa đực. Quả hình cầu dẹt, dày 3mm, đường kính 6mm, thường gồm 5 mảnh, vỏ lúc chín có màu tím đỏ, trên mặt có những điểm tinh dầu.

Hoa tháng 6-8, quả tháng 9-11.

Bộ phận dùng : Quả – Fructus Tetradii Rutaecarpi , thường gọi là Ngô thù du.

Nơi sống và thu hái : Loài của Bắc Ấn Độ, Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc ở vùng Phó bảng, tỉnh Hà Giang và cũng được trồng ở các vườn thuốc. Vào tháng 9-10, hái quả lúc còn đang có màu xanh hay hơi vàng xanh, chưa tách vỏ, đem về phơi nắng hay sấy cho khô.

Khi dùng lấy nước đun sôi để ấm (60 o -70 o ) đổ vào hạt, khuấy cho nguội, thay nước sôi để ấm. Làm lại như trên 2-3 lần (thuỷ bào). Sấy khô, giã giập, dùng sống. Nếu muốn giảm bớt tính mạnh của nó, có thể cho thêm nước Cam thảo vào để khuấy. Sau khi sấy khô, có thể cho tẩm muối rồi giã giập để dẫn thuốc vào can thận. Cần bảo quản nơi khô ráo, đậy kín để giữ mùi thơm.

Thành phần hoá học : Quả có tinh dầu và nhiều alcaloid: evodin, evodiamin, rutaecarpin, wuchuajin, hydroxy-evodiamin, limonin, synephrin, evoden, evodinone, evogin.

Tính vị, tác dụng : Vị cay, đắng, tính nóng, hơi độc; có tác dụng thu liễm, trừ phong, giảm đau, sát trùng, kích thích, lợi trung tiện, lợi tiêu hoá.

Công dụng : Chữa ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau bụng ỉa lỏng, cước khí, đau đầu. Còn dùng trong trường hợp mình mẩy tê đau, lưng chân yếu, cảm sốt lạnh, đau răng, miệng lưỡi lở ngứa.

Ngày dùng 1-3g dạng bột, hoặc 4-6g dạng thuốc sắc, chia 3-4 lần.

Đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian

1. Trị nôn do vị hàn khí nghịch:

-Ngô thù tán bột mịn, mỗi lần uống với nước sôi ấm 2 – 5g.

-Ngô thù, Gừng nướng lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 5g với nước sôi ấm. Trị nôn kèm đau bụng, ợ chua.

-Ngô thù du thang ( Thương hàn luận): Ngô thù 5g, Đẳng sâm 10g, Đại táo 10g, Gừng tươi 20g, sắc uống ấm.

2. Trị các chứng đau do hàn như đau đầu, đau bụng, đau cước khí:

  • Tả kim hoàn (Đơn khê tâm pháp): Hoàng liên (tẩm nước gừng sao) 6 phần, Ngô thù du (ngâm nước muối) 1 phần, sấy khô tán bột mịn làm hoàn. Mỗi lần uống 3 – 6g. Trị viêm dạ dày mạn, đau bụng kèm đau sườn ngực, nôn, ợ chua, mồm đắng .
  • Ngô thù thang: Ngô thù 4g, Bình lang, Mộc qua đều 10g, sắc uống ấm. Trị đau bụng đầy do hàn, cước khí.
  • Đạo khí thang: Ngô thù 4g, Tiểu hồi 3g, Mộc hương 5g, Xuyên luyện tử 10g, sắc uống ấm. Trị đau bụng quặn từng cơn.

3. Trị lóet mồm

Dùng bột mịn Ngô thù du gia giấm vừa đủ làm thành hồ cho vào miếng vải bó vào huyệt Dũng tuyền và vùng 1/3 trước lòng bàn chân, 24 giờ sau lấy ra, đã trị 256 ca, kết quả khỏi 247 ca, tỷ lệ khỏi 96,48% (Báo cáo của Lý minh Khởi, tập san Y học Sơn đông, 1965,3:23).

4. Tăng cường tiêu hóa

Ngô thù du, Mộc hương đều 2g, Hoàng liên 1g, sấy tán thành bột trộn đều chia 3 lần uống trong ngày.

5. Bìu dái chảy nước ngứa ngáy: Ngô thù du sắc nước rửa.

6. Trị nhức răng: Ngô thù du ngâm rượu, ngậm một lúc rồi nhổ.

7. Trị chàm (thấp chẩn): Ngô thù du 40g (sao), Mai mực 30g, Lưu hoàng 8g, tán bột mịn trộn đều. Trường hợp chảy nhiều nước, bôi bột khô; trường hợp chàm khô, trộn với dầu thầu dầu hay dầu mù u, bôi 2 ngày 1 lần, bôi xong dùng vải bọc lại. Đã trị 1100 ca, kết quả trên 95% (Báo cáo của Bệnh viện Nhân dân Hình đài- Trung quốc, Báo Thông tin Trung thảo dược 1971,3:46)

Liều dùng và chú ý

Liều thường dùng cho thuốc uống: 1,5 – 5g. Dùng ngoài theo yêu cầu

Chú ý: Ngô thù rất táo dễ hao khí động hỏa, sinh mụn nhọt, mờ mắt, không nên dùng lâu dùng nhiều. Thận trọng lúc dùng cho bệnh nhân âm hư nội nhiệt.

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.