• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Hoàng bá

Hoàng bá hay còn có tên gọi là Hoàng nghiệt, Phellodendron amurense Rupr. là một loại cây gõ cao 10-17m. Vỏ thân hoặc vỏ cành của cây dùng làm thuốc chữa các chứng: nhiệt lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, đái đục, đái ra máu, trĩ, mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi, viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, đái đường…

Hoàng bá 1

Hình ảnh: Hoàng bá

Tổng quan về cây thuốc hoàng bá

Tên gọi khác: Hoàng nghiệt, quan Hoàng Bá.

Tên nước ngoài: Amur cork tree (Anh); phellodendre liège (Pháp).

Họ: Cam (Rutaceae).

Mô tả:

Hoàng bá thuộc loại cây gỗ to, sống lâu năm, cao 10-17 m hoặc hơn, rụng lá hàng năm. Vỏ thân dày, mặt ngoài sần sùi, màu xám đến nâu xám, mặt trong màu vàng. Cành non màu nâu tím. Lá kép mọc đối, gồm 5-13 lá chét dày, hình trứng thuôn hoặc hình bầu dục, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm, có lông ở gân giữa, mặt dưới nhạt, nhiều lông hơn và phân bố đều; cuống lá kép và cuống lá chét đều có lông mềm.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành thành thùy dài 5-8cm; hoa đơn tính khác gốc, mẫu 5, màu vàng lục hoặc vàng nhạt.

Quả thịt hình cầu, khi chín màu tím đen, có 2-5 hạt cứng.

Mùa hoa: tháng 5-7, mùa quả: tháng 10-12.

Bộ phận dùng làm thuốc:

Vỏ thân hoặc vỏ cành, thu hoạch vào tháng 3 – 6, cạo bỏ lớp bần, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, rồi chế biến sao tẩm như sau:

  • Hoàng Bá phiến: Đem dược liệu ủ mềm thái phiến chéo rộng 3-5mm, dài 5 cm.
  • Hoàng Bá sao: Cho Hoàng Bá phiến vào nồi, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm. Hoặc đun nồi nóng già (1200C), đổ dược liệu vào, đảo đều, sao cho có màu vàng đậm.
  • Hoàng Bá thán: Cho Hoàng Bá phiến vào nồi, sao cho toàn bộ bên ngoài đen đều. Để nguội, phun ít nước để trừ hỏa độc.
  • Hoàng Bá tẩm rượu: Hoàng Bá 10 kg, rượu 2kg, trộn đều rượu với Hoàng Bá, ủ 30phút cho ngấm hết, dùng lửa nhỏ sao tới khô. Hoặc sao Hoàng Bá phiến tới nóng già, rồi vẩy rượu vào trộn đều, sao nhỏ lửa cho khô.
  • Hoàng Bá tẩm muối: (Hoàng Bá 10 kg, muối ăn 100g) dùng nước pha muối để có 1lượng thích hợp vừa đủ trộn đều vào Hoàng Bá. Sau khi để 30 phút cho nước muối ngấm đều, dùng lửa nhỏ sao tới khô. Cũng có thể sao Hoàng Bá phiến đến nóng già rồi vẩy nước muối vào trộn đều, sao khô.

Thành phần hóa học:

Thành phần chủ yếu trong Hoàng Bá là các alkaloid như berberin (1), pallmatin (2), jatrorrhizin (3), phellodendrin (4), magnoflorin (5) candicin (6).

Ngoài ra, còn có obacunon (7) obaculacton limonin (8) (TDTH III. 111, 121; Phytochemisty 1994, 35 (1) 209-2150. Các hợp chất phenoic gồm glucosid của 5-5’ dimethoxylariciresinon 2 – (p – hydroxyl phenyl) ethanol và N. methylhigenamin, lioniresinol syringin, coniferin, syringaresinol – di – O – β glucopyranosid, aldehyd sinapic – 4 – O – β glucopyranosid, vanilodosid, methyl 5 – O – feruloyl quinat; acid 3 – O – feruloylquinic và dẫn suất methyl este của nó (CA. 120, 1994, 265801q; CA. 124, 1996, 719v).

Trong lá Hoàng Bá, có phelamurin (1% trong lá tươi) và amurensin (10) (0,04% trong lá tươi), các chất flavon như phelodendrosid (11) với agycol phelamuretin, hyperin; phelosid (12) 2,3 dihydrophelosid, noricarisid (13) phelatin và phevalin cũng đã được phân lập từ lá (Chinese Drugs of plant origin tập 3-760).

Quả Hoàng Bá chứa các limonoid, 2 chất mới được xác định cấu trúc là kihadalacton A và B cùng với 7 turucalan triterpenoid là niloticin dihydroniloticin, acetate niloticin, pissidinol A hispidol B, bourjotinolon A và hispidon. (Phytochemistry 1992, 31 (4); CA. 111, 1989, 174449d).

Tinh dầu quả chứa myrcen và geraniol.

Hạt chứa các limonoid như limonin, obacunon, limonin 17 β D glucopyranosid, và obacuon 17 – β – D glucopyranosid.

Trong rễ Hoàng Bá, ngoài berberin, palmatin magnoflorin, jatrorrhizin, người ta còn chiết được một alkaloid nhân indol là canthin 6. on (0,04%).

Tính vị, công năng

Hoàng Bá có vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh thận và bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, tá hỏa, giải độc. Hoàng Bá muối (Hoàng Bá phun nước muối, sao vàng) có tác dụng tư âm, giáng hỏa.

Tác dụng dược lý

1.Tác dụng kháng khuẩn:

Hoàng Bá có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều vi khuẩn gram dương và gram âm. Dịch chiết và nước sắc từ Hoàng Bá ức chế ở mức độ khác nhau đối với Staphylococcus aureus,Streptococcus hemolyticus, Bacillus diphtheriae, Bacillus anthracis,Bacillus subtilis, Shigella shigae, Sh.flexneri, còn đối với Enterococcus và Bacillus typhi thì ít tác dụng. So sánh với Hoàng Liên, tác dụng kháng khuẩn của Hoàng Bá yếu hơn. Thí nghiệm trên ống kính đối với trực khuẩn lao người (H37Rv) Hoàng Bá không có tác dụng ức chế trực tiếp nhưng có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn. Trên chuột lang được gây nhiễm lao bò, berberin tiêm bắp thịt có tác dụng điều trị nhất định.

2. Tác dụng kháng nấm:

Dịch chiết và nước sắc từ Hoàng Bá thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

3. Tác dụng kháng roi trùng:

Nước sắc Hoàng Bá (10%) có tác dụng ức chế roi trùng âm đạo nhưng không mạnh.

4. Tác dụng hạ huyết áp:

Trên động vật gây mê, Hoàng Bá tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm phúc mạc đều có tác dụng hạ áp rõ rệt và kéo dài. Nước sắc Hoàng Bá tiêm phúc mạc với liều 12g/kg trên mèo gây mê, huyết áp hạ xuống còn bằng 60% trị huyết áp ban đầu. Cao lỏng Hoàng Bá tiêm phúc mạ với liều 2g/kg trên mèo gây mê cũng có tác dụng hạ huyết áp nhưng ảnh hưởng không rõ đối với nhịp tim.

Hoạt chất phellodendrin, tiêm tĩnh mạch với liều 0,3mg/kg trên chó, mèo, thỏ gây mê đều gây hạ huyết áp, cơ chế gây hạ áp có liên quan đến tác dụng làm liệt hạch thần kinh của hoạt chất.

Ngoài ra từ Hoàng Bá người ta chiết tách được một chất có tác dụng kích thích thụ thể β (β-receptor), thí nghiệm trên chuột cống trắng tiêm tĩnh mạch với liều 24 µg/kg gây hạ huyết áp đồng thời làm tăng nhịp tim.

5. Các tác dụng khác:

Tinh dầu chiết từ quả Hoàng Bá và thành phần mycren có trong tinh dầu thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, cho vào dạ dày với liều 400 và 800mg/kg có tác dụng long đờm. Trên mô hình gây ho bằng phương pháp khí dung amoniac, tinh dầu và hoạt chất mycren cho chuột nhắt uống với liều 800mg/kg có tác dụng chống ho.

Phellodendrin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, sau khi dùng thuốc hoạt động tự nhiên và các phản ứng của chuột đều bị ức chế. Phellodendrin có tác dụng gây liệt cơ kiểu curare nhưng yếu, trên tiêu bản cô lập cơ thẳng bụng ếch có tác dụng ức chế co bóp do acetylcholin gây nên. Đối với hoạt động của ruột, trên hồi tràng cô lập thỏ, Hoàng Bá làm tăng biên độ co bóp, obacunon tăng cường cả trương lực và biên độ co bóp còn obaculacton lại ức chế hoạt động của ruột. Trên thỏ thực nghiệm có lỗ dò tuyến tụy, Hoàng Bá có tác dụng thúc đẩy sự phân tiết của tuyến tuỵ; obaculacton dùng với liều lớn (0,05-0,1g/kg) có tác dụng làm hạ đường huyết, obacunon không có tác dụng này. Ngoài ra, có báo cáo xác định Hoàng Bá có tác dụng bảo vệ tiểu cầu. Đối với bọ gậy, Hoàng Bá với nồng độ 10ppm sau 18 giờ tiếp xúc vó khả năng diệt được 62% và có tác dụng diệt ruồi.

Độc tính cấp. Cao lỏng Hoàng Bá trên chuột nhắt trắng, tiêm phúc mạc có LD50 = 2,7g/kg. Phellodendrin trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng có LD50 = 69,5mg/kg. Tinh dầu từ quả Hoàng Bá trên chuột nhắt trắng cho vòa dạ dày có LD50 = 6,68 ± 0,65g/kg.

Công dụng

Theo y học cổ truyền, Hoàng Bá được dùng chữa nhiệt lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, đái đục, di mộng tinh, đái ra máu, trĩ, xích bạch đới, cốt chưng lao nhiệt (triệu chứng chủ yếu của bệnh lao) mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi; viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, đái đường.

Liều dùng hàng ngày: 4,5 – 10 g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàng tán. Tùy trường hợp bệnh, Hoàng Bá được dùng sống, sao cháy hoặc tẩm rượu sao, thường dùng Hoàng Bá phối hợp với các vị thuốc khác. Berberin được dùng ngoài để rửa mắt, đắp tại chỗ chữa mụn nhọt, vết thương.

Trong y học hiện đại, các chế phẩm từ Hoàng Bá được dùng điều trị thực nghiệm cho các bệnh:

1. Viêm màng não: Dùng cao lỏng Hoàng Bá 1:1 cho trẻ em dưới 3 tuổi trong vòng 6 giờ uống 3 ml, trên 3 tuổi 4-6ml, người lớn 6-10ml. Điều trị cho 20 bệnh nhân với kết quả khả quan. Bệnh nhẹ, sau một ngày dùng thuốc đã đỡ; trung bình sau 8 ngày điều trị, các triệu chứng lâm sàng đã hết, sau 10 ngày kiểm tra dịch não tủy trở lại bình thường. Trong quá trình điều trị, ngoài việc dùng Hoàng Bá vẫn tiến hành tiêm truyền dịch như thường lệ. Nếu bệnh nhân nôn nhiều, dùng 100ml nước sắc Hoàng Bá 35g và cam thảo 12g thụt vào trực tràng, lần đầu 50ml, các lần sau mỗi lần 25ml. Cứ 6h thụt một lần.

2. Lỵ trực trùng: Dùng cao đặc Hoàng Bá (0,13g cao = 1g dược liệu) điều trị cho 31 bệnh nhân với liều mỗi lần uống 0,4g cao, ngày 3-4lần. Sau 4-5ngày điều trị, toàn bộ bệnh nhân đều khỏi. Trung bình sau 2,3 ngày điều trị bệnh nhân hạ sốt, sau 3,3 ngày hết hiện tượng mót rặn, sau 4 ngày hết đau bụng và đại tiện trở về bình thường, sau 4,4 ngày cấy phân trở về âm tính.

3. Viêm phổi: Dùng dung dịch tiêm phellodendrin 0,2% tiêm bắp thịt, mỗi lần 3ml, cứ khoảng 8h tiêm một lần, khi đã hết sốt giảm xuống tiêm 2lần/ngày. Đã dùng điều trị cho bệnh nhi thể nhẹ, kết quả trung bình sau 9 ngày điều trị khỏi hoàn toàn.

4. Lao phổi: Dùng dung dịch tiêm phellodendrin 0,2% điều trị cho 30 bệnh nhân lao phổi, tiêm bắp thịt 3ml/lần, ngày 2lần, mỗi đợt điều trị 2 tháng, thấy có 24 bệnh nhân có tiến bộ rõ rệt, 6 bệnh nhân không có kết quả.

5. Viêm âm đạo do roi trùng: Mỗi buổi tối sau khi rửa sạch âm đạo, đặt 1 viên đạn có 0,5g phellodendrin vào âm đạo. Trong 14 trường hợp điều trị có 13 trường hợp khi xét nghiệm roi trùng thấy âm tính, 1 trường hợp không kết quả.

6. Viêm tai giữa có mủ: Dùng nước oxy già rửa sạch bộ phận tai ngoài, sau đó nhỏ nước sắc Hoàng Bá 4 – 5giọt, nằm nghiêng trong vòng 10 – 15phút. Đã điều trị cho 76 bệnh nhân với kết quả là 59 trường hợp khỏi, 13 trường hợp có tiến bộ và 4 trường hợp không có kết quả.

7. Viêm xoang hàm mạn tính: Sau khi rửa sạch xoang bị viêm, bơm từ từ dung dịch pha loãng cao Hoàng Bá 30%. Cứ cách 4 ngày, bơm một lần. Đã điều trị cho 10 bệnh nhân, kết quả khỏi 8, có tiến bộ 2.

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.