• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Hoài sơn

Củ mài không chỉ là một món ăn dân dã quen thuộc của đồng bào miền núi nước ta mà nó còn là vị thuốc quý của y học dân gian được sử dụng từ rất lâu đời với tên thuốc là hoài sơn. Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ…

Hoài sơn
Hoài sơn (củ mài) – Ảnh minh họa
Củ mài mọc khắp nơi tại các vùng rừng núi nước ta nhiều nhất ở các tỉnh Hà bắc, Hoàng liên sơn, Thanh hóa, Nghệ tĩnh và Quảng ninh. Hiện nay ta cũng đã trồng củ mài để chế thuốc.

Tổng quan về hoài sơn:

Tên gọi khác : Hoài sơn thường được gọi với cái tên dân gian quen thuộc là củ mài, khoai mài – Dioscorea persimilis

Tên khoa học : Củ nâu – Dioscoreaceae.

Mô tả : Hoài sơn có dây leo quấn; thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (dái mài). Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, đôi khi hình mũi tên, không lông, dài 10cm, rộng 8cm, nhẵn, chóp nhọn, có 5-7 gân gốc. Cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, dài 40cm, mang 20-40 hoa nhỏ màu vàng; hoa đực có 6 nhị. Quả nang có 3 cánh rộng 2cm. Hạt có cánh mào.

Bộ phận dùng : Rễ củ – Rhizoma Dioscoreae Persimilis ; thường gọi là Hoài sơn.

Nơi sống và thu hái : Cây mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung của nước ta cho tới Huế. Còn phân bố ở Trung Quốc, Lào và Campuchia. Cũng được trồng nhiều ở đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu; có thể trồng bằng gốc rễ hoặc dái mài về mùa xuân. Sau một năm đã có thu hoạch. Đào củ vào mùa hè – thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho vào lò xông lưu huỳnh 2 ngày đêm, sau đó phơi sấy cho đến khô.

Thành phần hoá học : Củ mài chứa tinh bột 63,25%, protid 6,75% và glucid 0,45%. Còn có mucin là một protein nhớt, và một số chất khác như allantoin, cholin, arginin, men maltose, saponin có nhân sterol.

Tính vị, tác dụng : Củ mài có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp : Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng ghế cơm để ăn như các loại khoai. Hoài sơn được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương và dùng chữa:

  • Người có cơ thể suy nhược
  • Bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày
  • Bệnh tiêu khát
  • Di tinh, mộng tinh và hoạt tinh
  • Viêm tử cung (bạch đới)
  • Thận suy, mỏi lưng, đi tiểu luôn, chóng mặt, hoa mắt
  • Ra mồ hôi trộm.

Ngày dùng 12-24g hay hơn sắc uống hoặc tán bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian

  1. Chữa trẻ em gầy yếu, nhác ăn, phụ nữ có mang mỏi mệt chán cơm hay người có bệnh đái đường gầy róc: dùng Hoài sơn thái miếng đồ lên, sao già tán bột, uống mỗi lần 6-10g; ngày uống 2-3 lần vào giữa buổi lúc đói. Hoặc dùng củ mài luộc ăn.
  2. Chữa trẻ em ỉa chảy kéo dài, hoặc ỉa phân nhầy có mùi, lỵ mạn tính, phụ nữ bạch đới, nam giới di tinh, đau lưng suy yếu; dùng Hoài sơn 200g, Củ súng, Hạt sen, Ý dĩ sao, đều 100g, sấy khô tán bột uống mỗi ngày 20g với nước cơm.
  3. Thuốc bổ dưỡng: Hoài sơn, Quả tơ hồng, Hà thủ ô, Huyết giác, Đỗ đen sao cháy mỗi loại 1kg, Vừng đen 300g, Ngải cứu 200g, gạo nếp rang 100g, muối rang 5g, tán bột, làm viên, uống mỗi ngày 10-20g (viên Kiến thiết của Hợp tác xã Hợp châu).

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.