• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Hậu phác

Hậu phác hay còn gọi là Quế rứng, là loài cây cao, to, vỏ rê, vỏ thân, vỏ cành của cây được dùng làm thuốc có tác dụng chữa đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tả lỵ, đau dạ dày, viêm đại tràng mãn. Nhân dân cũng dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá và bổ dạ dày

Hậu phác 1

Tổng quan về cây thuốc

Tên gọi khác: Hậu phác nam, Quế rừng, Liệt phác, Xích phác, Xuyên phác…

Tên khoa học : Cây chành chành (Cinnamomum liangii Allen.) hoặc Cây de (Cinnamomum sp.) họ Long não (Lauraceae).

Mô tả:

Cây : Cây to cao 8-10m, tới 20m, cành hình trụ, màu nâu đen. Lá to, thơm, mọc đối hoặc so le, phiến tròn dài, chóp lá tù hay hơi nhọn, mặt dưới lá hơi mốc mốc, ba gân gốc chạy dọc đến gần chóp lá. Hoa trắng thơm mọc thành chuỳ ở nách lá và đầu các cành, gồm 12-14 tán. Quả mọng hình bầu dục dài 12-13mm, trên một chén do bao hoa còn lại.

Vỏ thân: Vỏ khô cuộn thành ống đơn hoặc ống kép, dài từ 30 – 35 cm, dày 0,2 – 0,7 cm, thường gọi là “đồng phác” (ống hậu phác). Đầu vỏ khô gần phần rễ loe ra như loa kèn, dài từ 13 – 25 cm, dày 0,3 – 0,8 cm, thường gọi là “hoa đồng phác”. Mặt ngoài màu nâu xám, thô, đôi khi dạng vẩy dễ bóc ra, có lỗ bì hình bầu dục và có vân nhăn dọc rõ. Cạo bỏ vỏ thô hiện ra màu nâu vàng; mặt trong màu nâu tía hoặc nâu tía thẫm, tương đối trơn, có sọc dọc nhỏ, cạo ra có vết dầu rõ. Chất cứng khó bẻ gãy. Mặt gẫy sần sùi, lấm tấm hạt, tầng ngoài màu nâu xám, tầng trong màu nâu tía hoặc nâu, có chất dầu, đôi khi có đốm sáng nhỏ. Mùi thơm, vị cay hơi đắng.

Vỏ rễ (căn phác): Dạng ống đơn hoặc phiến lát không đều, có khi cong queo giống ruột gà gọi là kê trường phác. Chất cứng, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy có xơ.

Vỏ cành (chi phác): Dạng ống đơn, dài 10 – 20 cm, dày 0,1 – 0,2 cm. Chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy có xơ.

Bộ phận dùng : Vỏ rễ và vỏ thân đã phơi khô của Cây chành chành (Cinnamomum liangii Allen.) hoặc Cây de (Cinnamomum sp.).

Phân bố: Thông thường ở rừng thưa từ Tuyên Quang, Bắc Thái tới Sông Lô, An Giang.

Thu hái: Vỏ thân của cây có vỏ dày vào mùa khô, phơi khô.

Thành phần hoá học: Tinh dầu

Công năng: Hạ khí, tiêu đờm, ấm trung tiêu.

Công dụng : Chữa đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tả lỵ, đau dạ dày, viêm đại tràng mãn. Nhân dân cũng dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá và bổ dạ dày. Nước sắc rễ dùng sau khi sinh đẻ và khi lên cơn sốt. Dịch lá dùng như thuốc đắp trị thấp khớp. Lá cũng dùng làm bột chế hương thấp.

Cách dùng, liều lượng : Ngày dùng 6 – 20g dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian

1. Chữa sốt rét cơn lâu ngày do khí độc của rừng núi, bụng đầy, ăn không tiêu, dày da bụng, báng lách hay viêm gan mạn tính, đau lâm râm ở vùng gan, gan to, mặt bụng chân tay hơi phù: Hậu phác nam, Trần bì, Bán hạ chế, Ngải máu, Nghệ đen, Chỉ xác, Củ rễ quạt, Hạt cau, Vỏ dụt mỗi vị 12g, Thảo quả 6g, sắc uống. Trường hợp bệnh hoãn thì tán bột, uống mỗi lần 10g, ngày uống 2-3 lần.

2. Chữa đau bụng, bí đầy, đại tiện táo kết: Hậu phác nam, Chỉ xác, Đại hoàng hay Chút chít, đều 12g, sắc uống.

3. Bột tiêu thực dùng chữa ăn chậm tiêu, no hơi, sình bụng, ăn ít, ăn không tiêu: Củ Sả 100g, Thuỷ xương bổ 100g, Hậu phác 100g, Cỏ gấu (sao) 100g, vỏ Quýt 100g, Gừng khô 50g, Quế khâu 50g. Các vị hoà chung, tán bột nhuyễn, mỗi lần uống một muỗng cà phê; ngày 2-3 lần sau bữa ăn và tối khi đi ngủ.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị quá hư, nguyên khí kém, phụ nữ có thai không nên dùng.

Ghi chú:

  • Hậu phác nam còn là vỏ của cây Vối rừng (Eugenia jambolana Lamk. ), họ Sim (Myrtaceae), mọc hoang ở các vùng núi nước ta.
  • Hậu phác bắc là vỏ cây Hậu phác (Magnolia officinalis var. biloba Red. et Wils.), họ Ngọc lan (Magnoliaceae). Cây này không có ở Việt nam.

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.