• z4769300509172_1b144d407b0e3d8db39a12b9b2cd1e84
  • banner-lohha2
  • Flash2
  • Flash3
  • Flash4

Râu mèo

Cây râu mèo (cây bông bạc ), là loại cây thảo nhỏ, sống lâu năm cao từ 0,3 – 1m là một thảo dược quý, có tác dụng lợi tiểu, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi mật, viêm túi mật…

Cây râu mèo
Cây râu mèo (cây bông bạc)

Tên khác : Cây râu mèo còn có các tên gọi khác là cây bông bạc, miêu tu thảo, miêu tu công, thân trà…

Tên khoa học : Orthosiphon stamineus Benth., họ Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả : Cây râu mèo thuộc họ cây thảo, sống lâu năm, cao 0.3 – 0.5m, có khi hơn. Thân mảnh cứng, hình vuông, mọc đứng, thường có màu nâu tím, nhẵn hoặc có ít lông, ít phân cành. Lá mọc đối, hình trứng, dài 4 – 6cm, rộng 2,5 – 4cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng to, gân lá hơi nổi rõ ở mặt dưới; cuốn lá dài 3 – 4cm. Cụm hoa mọc thẳng ở ngọn thân và đầu cành, dài 8 – 10cm, gồm 6 – 10 vòng, mỗi vòng có 6 hoa màu trắng hoặc hơi tím; lá bắc nhỏ rụng sớm; dài hình chuông có 5 răng, răng trên rộng, tõe ra ngoài; tràng hình ống hẹp, thẳng hoặc hơi cong, dài 2 cm, môi trên chia 3 thùy, môi dưới nguyên; nhị mọc thò ra ngoài hoa, dài gấp 2 – 3 lần tràng, chỉ nhị mảnh, nhẵn; vòi nhụy dài hơn nhị. Quả bế tư, nhỏ, nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

Phân bố : Cây râu mèo trước đây chủ yếu mọc hoang và ngày nay đã được trồng ở nước ta.

Thu hái : Cây thường được thu hoạch lúc cây chưa có hoa, và đem về phơi khô.

Bộ phận dùng : Phần trên mặt đất (Herba Orthosiphonis).

Tác dụng dược lý:

Các tác giả G.A. Schut và J.H.Zwaving (Hà Lan) đã xác định tác dụng lợi tiểu của 2 flavon sinensetin và 3-hydroxy-3,6,7,4 tetramethoxyflavon bằng đường tiêm tính mạch với liều lượng 10g/kg, lượng nước tiểu thu được sau 140phút là 410mg, còn Sinensetin dùng cùng liều trên, lượng nước tiểu thu được sau 160 phút là 614mg, trong khi đó ở lô chuột đối chứng, sau 120phút, không thu được một lượng nước tiểu nào. Hai flavon trên cùng một liều 1mg/kg có so sánh với tác dụng của hydrochlorothiazid thấy tác dụng lợi tiểu yếu hơn và xuất hiện chậm. Đồng thời, các tác giả cũng khẳng định 2 flavon trên với liều 10mg/kg trên chuột cống trắng, không thể hiện tác dụng lợi mật. Xuất phát từ tác dụng điều trị viêm thận của râu mèo, 2 tác giả trên đã tiến hành nghiên cứu tác dụng chống viêm và tác dụng kháng khuẩn của các flavon chiếc tách từ râu mèo. Kết quả cho thấy trên thí nghiệm gây viêm bằng phương pháp cấy viên bông (cotton-pellet), sinensentin không thể hiện tác dụng chống viên. Về tác dụng kháng khuẩn, đã nghiên cứu với các chủng Escherichia coli, Proteus mirabilis, Pseudômnas aeruginosa, Staphylococcus aureus và Enterococcus là những chủng có thể gây nhiễm đường tiết niệu, kết quả cho thấy cả 3 flovon sinensetin, tetramethylsutellarein và 3’ – hydroxy -3, 6, 7, 4’ tetramethoxyflavon đều không có tác dụng kháng khuẩn với các chủng đã nêu.

Về dược lý lâm sàng, theo các tác giả Ấn Độ, râu mèo rất có ích theo đều trị bệnh thận và phù thũng.Trên bệnh nhân, râu mèo có tác dụng làm kềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữa cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận. Ở Thái Lan, thí nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh, dịch râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat; Oxalat với hàm lượng cao có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, dịch chiết lá râu mèo có tác dụng  hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, nhưng tác dụng này không hằng định, cơ chế tác dụng có thể là do kích thích sự hình thành glycogen ở gan. Các chất sinensetin và tetramethylscutellarein có tác dụng ức chế tế bào u báng Ehrlich.

Thành phần hoá học:

Bên cạnh các chất thông thường như muối kali (3%), β–sitosterol, ∂-amyrin, inositol, còn có glycosid orthosiphonin, nhiều hợp chất polyphenol và một tỷ lệ rất thấp tinh dầu (0,02 – 0,06%). Polyphenol là thành phần có liên quan đến tác dụng trị liệu của cây râu mèo và gồm: các phenylpropanoid (acid rosmarinic, acid dicafeytartric), các flavonoid (dẫn xuất di, tri, tetra, pentametyl của sinensentin, salvigenin, eupatorin, rhamnazin, cirsimaritin, scutellarein; các dẫn xuất metylen của luteolol và trimetyl apigenin). Thành phần chủ yếu của tinh dầu là các sesquiterpen ( β – elemen,  β – caryophylen, β – selinen ∂ – guaien, ∂ – humulen và ∂ – cadinen). Trong hoa có 4% một dẫn xuất benzopyran là metyl ripariochromen A.

Công năng : Lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp.

Công dụng : Thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật.

Cách dùng, liều lượng : Ngày 5-6g bột dược liệu pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15-30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2-4 ngày.

Đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian

  • Chữa viêm thận mạn tính, viêm bàng quang, viêm khớp, phong thấp, viêm đường ruột : Râu mèo 40g, tỳ giải và rễ ý dĩ mỗi vị 30g. Sắc nước uống.
  • Chữa đái ra sỏi, đái ra máu và đái buốt : Râu mèo 40g, thài là trắng 30g, Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch uống trong ngày, chia làm 3 lần. Uống liền 5 – 7 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường : Râu mèo tươi 50g,  khổ qua (dây, lá, quả non, tươi) 50g, cây mắc cỡ (sao vàng) 6g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước sắc còn 250ml, uống trong ngày, dùng liên tục 1 tháng, sau đó đi kiểm tra máu.

  • Bình luận mặc định
  • Bình luận Facebook

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.